Ai cũng biết việc cho trẻ em sử dụng các thiết bị thông minh thời gian dài ảnh hưởng xấu với thị giác, nhưng lại ít người quan tâm việc đeo tai nghe lâu cũng dẫn đến suy giảm thính lực ở trẻ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, cần được các bậc phụ huynh đặc biệt lưu ý.

Nhiều cha mẹ đang lơ là trong việc kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ em, nhất là trong thời gian nghỉ hè. Quả thật việc cho các bé xem TV, smartphone hoặc tablet sẽ ảnh hưởng đến thị giác của trẻ, nhưng có một vấn đề khác đáng lưu tâm hơn. Nếu cho các bé đeo tai nghe trong thời gian dài sẽ gây ra những tác ngại nghiêm trọng. Việc mất thính giác sẽ xảy ra từ từ theo thời gian, đến khi bạn kịp nhận ra thì mọi chuyện đã trở nên quá muộn.

Đề phòng suy giảm thính lực khi cho trẻ đeo tai nghe thời gian dài

Cần xem xét âm lượng và thời lượng nghe

Điều quan trọng nhất cần lưu ý là cách các bé đeo tai nghe và âm lượng phát ra có ảnh hưởng đến thính giác hay không. Về cơ bản, 85 decibel là mức âm lượng tối đa nằm trong khoảng an toàn để nghe trong một khoảng thời gian giới hạn. Mức 85 decibel được so sánh tương đương với âm thanh giao thông đông đúc trong thành phố hoặc tiếng ồn ào của máy cắt cỏ chạy bằng khí nén.

Tuy nhiên, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bất cứ âm thanh nào trên 70 decibel, như tiếng ồn của máy giặt hoặc máy rửa chén được phát trong thời gian kéo dài cũng có thể gây hại. Ở mức âm lượng tối đa, hầu hết điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị nghe cá nhân khác có thể đạt tới 105-110 decibel, mức độ này có thể gây mất thính lực trong vòng chưa đầy 5 phút.

Theo quy tắc chung, khi âm lượng hoặc thời lượng nghe tăng lên, cái còn lại phải giảm xuống. Tiếng ồn được tích lũy không chỉ thông qua việc bạn nghe nhạc lớn như thế nào mà còn tùy thuộc vào việc nghe trong thời gian bao lâu.

“Nếu một đứa trẻ thường đeo tai nghe cũng tập trống, nghe tiếng máy cắt cỏ hoặc đập vào nồi và chảo mỗi tối, thì tiếng ồn chúng tiếp nhận mỗi ngày là rất nhiều. (Với những hoạt động này, các chuyên gia khuyên dùng nút bịt tai bảo vệ. Nút bịt tai có tác dụng với những đứa trẻ lớn, nhưng lại kém thân thiện, gây nguy hiểm và ngạt thở cho trẻ nhỏ)”.

Nên xem xét loại tai nghe đang sử dụng

Đề phòng suy giảm thính lực khi cho trẻ đeo tai nghe thời gian dài

Không phải tất cả các tai nghe đều được sản xuất với mức âm lượng và độ an toàn như nhau. Cách tốt nhất là mua cho con bạn những loại tai nghe dành cho trẻ em, thường có giới hạn decibel ở mức 85. Những thiết bị này sẽ an toàn hơn so với tai nghe thông thường có thể lên tới mức 110 decibel. Dù vậy, trẻ cũng không nên sử dụng tai nghe trong một khoảng thời gian dài vì không có điều gì an toàn tuyệt đối và giới hạn chịu đựng của mỗi người sẽ khác nhau đôi chút.

Một tùy chọn khác đắt tiền hơn là tai nghe khử tiếng ồn. Thiết bị có khả năng loại bỏ tiếng ồn xung quanh, giúp trẻ chỉ nghe âm thanh cần thiết mà không cần phải tăng âm lượng lên quá cao. Nhưng cũng bởi vì loại tai nghe này loại bỏ tiếng ồn xung quanh quá tốt nên bạn càng cần phải cẩn thận khi sử dụng. Ví dụ, không nên sử dụng khi đang đi bộ, chạy xe máy hoặc ở những nơi cần nghe âm thanh xung quanh.

Làm sao nhận biết mức âm lượng quá cao?

Rất khó để biết được mức âm lượng đang nghe là 70-75 decibel hay đang ở mức 85 decibel đáng báo động hơn. Nếu thực sự cần biêt chắc mình đang nghe ở mức âm lượng nào và có an toàn hay không, Tiến sĩ Sharon Sandridge, Giám đốc Dịch vụ Lâm sàng về Thính học tại Bệnh viện Cleveland (Ohio, Mỹ), khuyến cáo nên sử dụng ứng dụng đo mức độ âm thanh, có rất nhiều ứng dụng dạng này trên iOS và Android. Tuy nhiên, Sandridge cũng cảnh báo rằng chúng chưa được kiểm định nên sẽ không thể chính xác như mong muốn.

Cách đơn giản và thủ công hơn để kiểm tra âm lượng tai nghe là nói chuyện với trẻ bằng âm vực bình thường ở khoảng cách một sải tay. Nếu bé không nghe tiếng bạn thì mức lượng tai nghe đang quá to. Hoặc nếu bạn có thể nghe tiếng âm thanh phát ra từ tai nghe ở khoảng cách đó thì chắc chắn âm lượng cũng đang quá to. Bạn cũng có thể tự cảm nhận, và nên kiểm tra tai nghe thường xuyên để đảm bảo các bé không tự chỉnh âm lượng lớn hơn khi chưa được cho phép.

Những dấu hiệu mất thính lực sớm

Đề phòng suy giảm thính lực khi cho trẻ đeo tai nghe thời gian dài

Tiến sĩ Brian Fligor, nhà thính học nhi khoa ở Boston (Mỹ), cho biết dấu hiệu nhận biết một đứa trẻ có vấn đề về thính giác nếu chúng thường xuyên hỏi lại “Cái gì?” khi bạn đang nói chuyện. Ngoài ra, một số triệu chứng phổ biến khác như ù tai, rung hoặc đau tai, ngay cả triệu chứng tạm thời cũng rất đáng lưu tâm.

Đặc biệt, các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi kiểm tra thính giác ít nhất ba năm một lần để theo dõi và nắm bắt tình hình sức khỏe của con em mình.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây