Hôm 11/7, chính quyền Tổng thống Trump loại Kaspersky Lab khỏi 2 danh sách các nhà sản xuất mà các cơ quan chính phủ được phép mua sắm trang thiết bị.

Quyết định được đưa ra do quan ngại sản phẩm của hãng bảo mật có thể bị Nga lợi dụng để đột nhập vào mạng lưới của Mỹ. Đây là hành động cứng rắn nhất chống lại Kaspersky sau nhiều tháng bị quan chức tình báo và nhà lập pháp nghi ngờ có mối liên hệ quá mật thiết với các tổ chức tình báo Nga bị cáo buộc tấn công mạng vào Mỹ.

Chính quyền Trump hạn chế sử dụng phần mềm Kaspersky

Sản phẩm Kaspersky bị loại khỏi danh sách các nhà thầu trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và trang thiết bị chụp ảnh kỹ thuật số của Cơ quan dịch vụ công (GSA). Một phát ngôn viên cho biết ưu tiên của GSA là “bảo đảm tính toàn vẹn và an ninh của hệ thống và mạng lưới chính phủ Mỹ”. Các tổ chức chính phủ vẫn được phép sử dụng sản phẩm Kaspersky mua không qua quy trình thầu của GSA.

Phần mềm diệt virus của Kaspersky được ưa chuộng tại Mỹ và trên toàn thế giới. Công ty cũng đi đầu về lĩnh vực bảo mật trong nhiều thập kỷ. Trong thông báo, Kasbersky Lab khẳng định chưa nhận được bất kỳ cập nhật nào từ GSA hay tổ chức chính phủ Mỹ nào liên quan đến hoạt động của mình. Hãng cũng bác bỏ mối liên hệ với bất kỳ chính phủ nào và không bao giờ hỗ trợ các nỗ lực gián điệp mạng của chính phủ. Kaspersky cho rằng mình đang nằm ở trung tâm của cuộc chiến địa chính trị mà họ là một quân bài của các nước.

Việc bị loại khỏi danh sách diễn ra cùng ngày với tin tức của đài ABC News về việc chính quyền ông Trump đang cân nhắc thi hành lệnh cấm rộng hơn, cấm các tổ chức sử dụng phần mềm Kaspersky.

Tháng trước, Ủy ban Dịch vụ vũ trang của Thượng viện thông qua dự luật về chính sách chi tiêu quốc phòng, theo đó cấm dùng sản phẩm Kaspersky trong quân đội. Một ngày trước đó, FBI đã phỏng vấn vài nhân viên Mỹ của hãng bảo mật tại nhà riêng như một phần trong cuộc điều tra vào các hoạt động của Kaspersky.

Vào tháng 5/2017, quan chức tình báo Mỹ làm chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng họ đang đánh giá việc sử dụng phần mềm từ Kaspersky Lab của chính phủ. Các nhà lập pháp lo ngại Moscow có thể dùng sản phẩm của Kaspersky để tấn công mạng lưới máy tính của Mỹ. Tình báo Mỹ từng tố cáo Nga tấn công và làm lộ email của các nhóm chính trị Đảng Dân chủ để can thiệp vào chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Nga đã bác bỏ mọi lời buộc tội.

Nguồn: ICTnews

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây