Một chủ shop tại Việt Nam đã đặt địa chỉ giả ở Mỹ, đánh lừa dịch vụ Shopping và lấy tiền hàng của một chuyên viên tại Google.

Theo CNBC, một chuyên viên Google khi mua sắm trực tuyến đã tìm được địa chỉ ở Mỹ bán sản phẩm kính đeo tích hợp Bluetooth sành điệu niêm yết với mức giá 28 USD sau khi đã ưu đãi. Món hàng quá hấp dẫn khiến anh không nhận ra mức giá trên có phần phi lý.

Tin tưởng vào dịch vụ Google Shopping do chính công ty mình đang làm việc cung cấp, anh đặt mua sản phẩm và đợi. Cho tới khi quá thời hạn giao hàng, nhân viên này quyết định gọi vào số chăm sóc khách hàng nhưng thuê bao đã ngắt kết nối.

Món hàng không bao giờ tới. Còn số tiền cũng chẳng quay về.

Google điều tra nhiều website bán hàng vì nhân viên bị lừa 28 USD

Thực tế, người bán trong vụ việc không hề ở Mỹ, nơi có địa chỉ được ghi trong phần thông tin cửa hàng. Google Shopping đã “đưa” người mua vượt nửa vòng trái đất để giao dịch với một chủ shop lừa đảo có địa chỉ thực tại Việt Nam. Chính người này đã nhận tiền từ thẻ thanh toán của người mua mà không hề gửi hàng.

Nạn nhân đã chuyển vụ việc cho một đồng nghiệp để bắt đầu quá trình điều tra. Thay vì chỉ cấm vĩnh viễn tài khoản kinh doanh giả mạo đó, đội chuyên viên của Google Shopping đã mở một chiến dịch điều tra mang tính toàn cầu. Kết quả, có tới 5.000 tài khoản tương tự bị phát hiện và tất cả đều được lập ra nhằm một mục đích là lừa người tiêu dùng.

“Tôi nghĩ Google đã bắt được hành vi này ngay trước khi chúng nhân rộng ra”, Saikat Mitra, Trưởng nhóm Niềm tin và An toàn của Google Shopping chia sẻ.

Câu chuyện được chính ông Saikat chia sẻ công khai phản ánh cuộc chiến không hồi kết của Google với các hoạt động lừa đảo, một cuộc đấu tranh đòi hỏi cả các kỹ sư lẫn những công cụ máy học ngày càng phát triển, thông minh hơn. Đồng thời, vụ việc này cũng cho thấy những rủi ro của khách hàng phải đối mặt khi Google tích cực giành lại thị phần tìm kiếm sản phẩm từ Amazon.

Google Shopping có cách hoạt động giống với một chợ trực tuyến nhưng thực chất không phải vậy. Dịch vụ này dẫn người mua tới các website mà hệ thống tìm thấy có mức giá rẻ nhất khi người dùng tìm kiếm một sản phẩm mà không kiểm soát việc gì diễn ra sau các giao dịch.

Trong khi đó, Amazon hay eBay lại vận hành nền tảng mua sắm kết nối giữa người bán với người mua, trao cho các bên những quyền được bảo vệ, trong đó có cam kết hoàn tiền.

Google cũng không chịu trách nhiệm đối với các vụ lừa đảo. Nếu ai đó mua một sản phẩm từ website thiếu minh bạch do Google Shopping dẫn tới, người đó sẽ chịu hoàn toàn mọi rủi ro nếu không sử dụng dịch vụ thanh toán đảm bảo (ví dụ PayPal).

Theo CNBC

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây