Hai chuỗi cửa hàng uỷ quyền của Apple tại Việt Nam được biết đến với tên gọi là Apple Authorised Reseller (viết tắt là AAR) & Apple Premium Resellers (APR). Trong khi cửa hàng Apple Store do chính Apple tự triển khai tại một số quốc gia và khu vực nhất định vẫn đang là niềm mơ ước của các tín đồ đam mê thương hiệu ‘Táo khuyết’.

Tại Việt Nam, những sản phẩm của Apple đã xuất hiện từ rất sớm hướng đến phân khúc người dùng rất riêng. Tuy vậy, những bùng nổ về tiêu dùng thực sự diễn ra khi có sự xuất hiện ‘ngầm’ của đại diện Apple tại Việt Nam thông qua đợt phân phối iPhone 6 từ các nhà mạng di động.

Người dùng ngày càng lựa chọn hàng Apple chính hãng

Dưới góc độ người dùng, những cửa hàng ở dạng Apple Authorised Reseller (AAR) thường được nhận diện qua logo tại các đại lý bán lẻ ĐTDĐ hay thiết bị công nghệ tại Việt Nam như Di Động Việt, CellphoneS, FPT Shop… Những không gian tại các cửa hàng này ở mức nhỏ đến trung bình, diện tích dao động khoảng 50 mét vuông cho việc bày bán và trưng bày các sản phẩm. Trong khi đó, Apple Premium Resellers (APR) là chuỗi cửa hàng có diện tích lớn hơn, chứa nhiều không gian trải nghiệm & bày bán hơn 100 mét vuông.

Những chuỗi cửa hàng uỷ quyền của Apple tại Việt Nam: kẻ bùng nổ, người trầm lắng
Di Động Việt – một trong những chuỗi cửa hàng uỷ quyền Apple Authorised Reseller tại Việt Nam mở bán iPhone 13 chính hãng sớm nhất.

Các chuỗi cửa hàng AAR tại Việt Nam thật sự bùng nổ kể từ khi Apple có một cách nhìn khác hơn về thị trường Việt Nam từ năm 2020. Theo Zingnews, Apple từng chia sẻ việc doanh số iPhone tại Việt Nam đã vượt mặt thị trường Thái Lan vào thời điểm iPhone 12 được bán ra. Những đơn vị bán lẻ từng kinh doanh thiết bị Apple dưới dạng hàng tự nhập khẩu đã dần chuyển sang hình thức nhập khẩu chính hãng để nhận được nhiều hậu mãi hơn.

Kể từ đây, người dùng Việt Nam hầu như đã tiếp cận được một lượng lớn nguồn hàng iPhone & các sản phẩm Apple chính hãng. Thị trường hàng xách tay thực tế vẫn tồn tại, song số lượng sản phẩm xuất hiện chỉ thường có mặt ở những đợt bán hàng đầu tiên với một vài sản phẩm có độ ‘hot’ nhất định.

Đã từng tồn tại những chuỗi cửa hàng Apple Premium Resellers hoành tráng

Những sản phẩm của Apple ghi dấu trên đất Việt đầu tiên là những cỗ máy Macintosh chạy chip IBM ngay khi quan hệ Bình thường hoá giữa Hoa Kỳ & Việt Nam được ký kết. Năm 2002, Khải Thiên (KTC) là đơn vị đầu tiên mở dịch vụ dịch vụ hậu mãi & sửa chữa có tên gọi Apple Authorized Service Providers (AASP).

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm Apple nổi tiếng nhất trước năm 2010 có lẽ là FutureWorld. Đơn vị này hiện vẫn duy trì là chuỗi cửa hàng uỷ quyền Apple Premium Resellers (APR) ở cấp cao nhất. Một cửa hàng vẫn giữ được nhóm khách hàng trung thành hiếm hoi với cửa hàng được mở tại Quận 3, TP. HCM từ năm… 2009, mặc dù hiện tại đơn vị này vẫn chỉ đạt cấp độ AAR.

Những chuỗi cửa hàng uỷ quyền của Apple tại Việt Nam: kẻ bùng nổ, người trầm lắng
Một đơn vị làm mới cửa hàng theo tiêu chuẩn APR năm 2014

Vào thời điểm năm 2014, chuỗi cửa hàng iCenter đồng loạt công bố sự xuất hiện của 5 cửa hàng uỷ quyền đạt chuẩn APR. Trong đó cửa hàng có diện tích rộng nhất tại Quận 3, TP. HCM cung cấp những dịch vụ vốn chỉ tìm thấy tại những cửa hàng Apple Store từ các Quốc gia khác. Nếu những tín đồ ‘Táo’ từng có dịp đi du lịch qua Thái Lan, Singapore; họ sẽ không thể bỏ qua Apple Store không chỉ vì thiết kế độc đáo, đặc trưng.

Những dịch vụ mà Apple mang đến làm nên sự khác biệt như các quầy trải nghiệm sản phẩm đa dạng hơn, hệ sinh thái phụ kiện bên thứ 3, những khoá học tìm hiểu về cách thức sử dụng máy có thể hữu ích với người lớn tuổi hay cần tăng khả năng khai thác thiết bị với nhu cầu sáng tạo. Dù vậy, iCenter đã không còn duy trì được cho đến thời điểm này, có lẽ một phần sự lên ngôi của những nhà bán lẻ ĐTDĐ lớn với những chiến lược marketing, quảng cáo mạnh mẽ.

Những chuỗi cửa hàng uỷ quyền của Apple tại Việt Nam: kẻ bùng nổ, người trầm lắng
Một cửa hàng APR của EpiCentre tại Singpapore – địa chỉ quen thuộc của người xếp hàng mua iPhone đợt đầu tiên.

Không chỉ ở Việt Nam, những tiêu chuẩn mà các đơn vị bán lẻ phải tuân thủ theo Apple cũng cho thấy cuộc chơi để dành quyền phân phối sản phẩm Apple vô cùng khắc nghiệt. Ông lớn EpiCentre, chuỗi cửa hàng APR lớn nhất tại châu Á từng một thời đình đám tại Singapore nay đã lùi về hậu trường để nhường chỗ cho những cửa hàng Apple Store. Rõ ràng sức mua tại những cửa hàng do chính Apple thiết kế và quản lý đã thực sự thành công & giúp công ty này bán được ngày càng nhiều thiết bị hơn.

Những chuỗi cửa hàng uỷ quyền của Apple tại Việt Nam: kẻ bùng nổ, người trầm lắng
Trải nghiệm iPhone 12 tại một cửa hàng uỷ quyền APR có vị trí rất đẹp ngay tại trung tâm TP. HCM

Các đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng APR cấp độ cao nhất từ Apple chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người dùng khó lòng thấy được sự nhộn nhịp trong các cửa hàng APR ở một địa điểm so với những chuỗi bán lẻ ĐTDĐ có cả hệ thống những cửa hàng ở khắp các tỉnh thành Việt Nam.

Chính vì vậy, sự biến mất của iCenter hay sự trầm lắng khi nhìn vào cửa hàng ở vị trí đắc địa tại khu vực nhà thờ Đức Bà, Quận 1 đã khiến cho Apple Premium Resellers cần phải có một cuộc thay đổi lớn, trước khi người dùng Việt có thể mơ đến một ngày Apple Store xuất hiện tại dải đất hình chữ S.

APR tại Việt Nam cần thay đổi để xứng tầm trải nghiệm người dùng

Thế hệ trẻ rành công nghệ hiện nay không còn quá khó khăn để tiếp cận những sản phẩm Apple. Có lẽ vì vậy mà những dịch vụ từ Apple Premium Resellers (APR) như các khoá học tìm hiểu & sử dụng sản phẩm có thể không thu hút người tham gia. Vậy thì APR tại Việt Nam cần thay đổi gì để xứng tầm trải nghiệm những sản phẩm từ Apple.

Những ai tìm hiểu về Apple vẫn tìm đến những kênh thông tin, những hội nhóm chuyên về nội dung của Apple. Tại đây, những sản phẩm có thể vừa mới ra mắt thường có những thông tin sản phẩm & trải nghiệm từ sớm. Đáng ngạc nhiên, những thiết bị đó có thể nguồn hàng được cung cấp cho thị trường Việt Nam, nhưng vì lý do nào đó mà những cửa hàng APR lại chưa thể có sớm những sản phẩm trải nghiệm?

Lấy trường hợp của Samsung, khi dòng Galaxy S mới được ra mắt, những đại lý hay cửa hàng trải nghiệm thường có máy sớm trước thời điểm mở bán. Có lẽ lợi thế đặt nhà máy và chính sách cho thị trường Việt Nam vẫn được ưu tiên hơn so với Apple. Việc iPhone phân phối tại Việt Nam muộn hơn những thị trường có doanh số bán lớn phần nào vẫn khiến những tín đồ Apple tại Việt Nam mong muốn sở hữu sản phẩm qua đường xách tay.

Những chuỗi cửa hàng uỷ quyền của Apple tại Việt Nam: kẻ bùng nổ, người trầm lắng

Apple có những sản phẩm gây tò mò và trầm trồ khi được giới thiệu, đặc biệt là một số sản phẩm mới gần đây như Mac Pro (2018), màn hình Pro XDR, iMac 24 (M1), hay Apple Studio series (màn hình và máy tính Mac Studio). Tuy vậy, những thiết bị này khi được phân phối chính hãng thường đến thẳng tay của người có nhu cầu thật sự sở hữu.

Chúng ta không thể sớm gặp những sản phẩm này tại một cửa hàng APR có thể đã tồn tại lâu năm. Cùng lắm là chiếc iMac M1 với mức giá khởi điểm thấp hơn những sản phẩm còn lại sẽ dễ dàng xuất hiện tại các cửa hàng APR lẫn AAR.

Chỉ khi doanh số tăng lên, Apple chắc hẳn sẽ có những động thái tốt hơn để đem lại những giá trị thực sự cho người dùng Việt Nam tương ứng với những quốc gia trong khu vực.

(Kỳ sau: Apple Store & niềm mơ ước cuồng dại từ những tín đồ ‘Táo’ Việt)

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây