Từ năm 2012 Nhà Táo đã tiến hành triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển robot tư động hóa quy trình sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong một số hoạt động lắp ráp cần sự khéo léo, con người thao tác vẫn tốt hơn nhiều so với robot.

Mỗi năm có rất nhiều người bị mất việc do quy trình tự động hóa. Điều này khiến một số người lo sợ nếu nghề của họ trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, ngay cả một hãng công nghệ cao như Apple cũng nhận thấy rằng trong tương lai gần, có một số quy trình sản xuất con người vẫn xử lý tốt hơn so với robot. Mặt khác, số tiền bỏ ra nghiên cứu và chuyển đổi tự động hóa không hề nhỏ.

 

Apple thường giữ bí mật, rất ít khi công bố các dự án nghiên cứu của công ty. Tuy nhiên thỉnh thoảng một số hoạt động nghiên cứu vẫn bị rò rỉ, cho thấy tầm nhìn của Nhà Táo trong tương lai gần.

The Information vừa tiết lộ vài năm gần đây “gã khổng lồ Cupertino” đã chi hàng triệu USD để tự động hóa các nhà máy sản xuất sản phẩm. Hãng có dự định cắt giảm những công việc cần con người và chuyển sang quy trình tự động hóa bằng robot. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại không được như kỳ vọng.

Apple đầu tư hàng triệu USD vào quy trình tự động hóa nhưng kết quả vẫn kém xa con người

Nỗ lực của Apple bắt đầu từ năm 2012, sau khi CEO Tim Cook được giới thiệu về thử nghiệm dây chuyền sản xuất tự động cho iPad có vẻ đầy hứa hẹn. Trong đó, hệ thống chỉ cần vài nhân viên vận hành và bảo trì, còn lại hoàn toàn được thực hiện bằng robot. Dự án này do Foxconn, một trong những đối tác sản xuất lớn nhất của Apple, phát triển. Cụ thể, hệ thống sử dụng những cánh tay robot được gọi là “Foxbots”, có thể thực hiện hầu hết thao tác cắt, xử lý và đánh bóng vỏ iPad, lắp ráp các bộ phận cần thiết bên trong và màn hình.

Cook và các giám đốc điều hành khác đã rất ấn tượng với dự án này. Đây là nguyên nhân Apple bắt đầu xây dụng đội ngũ chuyên gia robot và tự động hóa chuyên dụng để phát triển ý tưởng này tại một cơ sở bí mật ở Sunnyvale (California, Mỹ). Tuy nhiên, theo thời gian các kỹ sư nhận thấy con người vẫn khéo léo hơn, rất khó tạo ra một cánh tay mềm mại, nhất là khi nó được giữ chặt trong các hệ thống ốc vít cứng nhắc. Trong một số quy trình sản xuất tinh vi, robot hầu như không thể thao tác được.

Sau khi thử nghiệm nhiều lần, các chuyên gia nhận thấy có nhiều vấn đề đòi hỏi phải có bàn tay con người giải quyết. Bên cạnh đó, những hệ thống được thiết kế để lắp đặt bàn phím trong MacBook 12 inch liên tục gặp sự cố khiến toàn bộ dây chuyền phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa. Nhiều người nghĩ rằng một cỗ máy được lập trình bài bản và chặt chẽ sẽ ít sai sót, nhưng thực tế với những quy trình cần độ khéo léo như dùng keo gắn bảng hiển thị, con người vẫn làm tốt hơn.

Apple từng cố gắng tự động hóa thành công một số phần trong quy trình lắp ráp cho các sản phẩm như Apple TV, iPad và Apple Watch, nhưng đến năm 2018 hãng đã bắt đầu quay lại sử dụng “bàn tay con người” trong dây chuyền lắp ráp.

Dù vậy, điều này không có nghĩa hãng sẽ đóng cửa dự án nghiên cứu tự động hóa. Cuối năm 2018, Apple đã giới thiệu về Daisy, robot tái chế có khả năng tháo tung iPhone và phân loại các vật liệu có thể tái chế được.

Không riêng Apple, nhiều hãng công nghệ khác cũng từng thử nghiệm hệ thống tự động hóa nhưng bất thành.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây