Rất khó để thấy một cơ quan báo chí ở Việt Nam thực sự có chiến lược phát triển đa nền tảng. Đa số các báo in chỉ coi mảng digital như một phần nhỏ.

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc ngày 30/12, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập VietnamPlus có tham luận với chủ đề: “Báo chí đa nền tảng và sự trở về với giá trị cốt lõi của báo chí là phụng sự độc giả”.

Sự hội tụ của kỹ thuật số, sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của Internet và sự ra đời của hàng loạt công nghệ truyền thông mới trong một thập niên vừa qua đã có ảnh hưởng to lớn đến cách thức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trong thế kỷ 21, đồng thời nó đang tái định hình toàn bộ nguyên lý kinh tế của ngành công nghiệp truyền thông.

Có một thực tế rõ ràng rằng, để có thể vươn lên dẫn đầu trong bối cảnh hiện nay thì một cơ quan báo chí phải có khả năng phục vụ độc giả ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào độc giả muốn. Là một chuyên gia chỉ trong một kênh giờ đây là không đủ và một cơ quan báo chí chỉ có thể đạt được ảnh hưởng thực sự bằng cách áp dụng một mô hình kinh doanh truyền thông đa nền tảng – multi-platform.

Để có thể vươn lên dẫn đầu trong bối cảnh hiện nay thì một cơ quan báo chí phải có khả năng phục vụ độc giả ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào độc giả muốn.

Nhu cầu, thị hiếu cũng như hành vi của độc giả và khán thính giả đã thay đổi, vì thế việc phát hành nội dung báo chí trong thời đại hiện nay không còn bó hẹp trong một phương thức – ví dụ chỉ là báo in, phát thanh truyền hình hoặc điện tử – mà thay vào đó là việc chuyển tải bằng nhiều dạng thức và các phiên bản trên rất nhiều nền tảng kỹ thuật số. Xu hướng đa nền tảng cũng ảnh hưởng đến các nguồn đầu tư và các phương thức sử dụng nguồn lực, nó cũng giúp các cơ quan truyền thông khai thác tối đa tài nguyên của mình trong khi tiết kiệm được chi phí, và phục vụ khán thính giả một cách hiệu quả hơn.

Đó là lý do một tờ báo in nay phải chiếm lĩnh cả lĩnh vực digital – dù là website, ứng dụng cho tablet hay mobile – để độc giả dù sử dụng nền tảng nào cũng không bị đứt đoạn thông tin. Thậm chí nếu độc giả đang xem website và dừng ở một đoạn nhất định thì phải đọc tiếp đúng đoạn đó khi họ chuyển sang điện thoại di động hay máy tính bảng. Truyền hình cũng không thể yên chí với cách thức tiếp cận độc giả truyền thống vốn thu hút khán giả mà phải hiện diện trên Internet, trên smartphone.

Báo chí đa nền tảng và sự trở về với giá trị cốt lõi
Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập VietnamPlus.

Tim Cook, giám đốc điều hành của Apple thậm chí tuyên bố hồi tháng 9/2015 rằng “tương lai của truyền hình là application.” Ngay cả với các trang tin điện tử cũng không thể ngồi yên mà phải tìm cách đưa thông tin lên tất cả những nền tảng nào có thể. Đó chính là các “nền tảng phát hành thứ ba,” như Instant Articles của Facebook, Apple News của Apple, Discover của Snapchat hay Moments của Twitter. Đó là chưa kể những nền tảng phi báo chí như các màn hình công cộng tại các quảng trường, nhà ga, trên tàu điện hay xe bus, hệ thống truyền hình trong các khách sạn, v.v…

Câu chuyện quốc tế

Có thể kể ra một số hình mẫu thành công trên thế giới nhờ sớm áp dụng chiến lược đa nền tảng, trong đó FT Group và TMG đều đến từ nước Anh, còn Bloomberg từ Mỹ:

FT Group là một bộ phận thuộc tập đoàn Pearson plc, sở hữu tờ Financial Times (FT) kể từ năm 1957, và có nhiều hoạt động kinh doanh khác liên quan đến phân tích tài chính. Vốn phát hành báo tại London, nhưng giờ đây có tầm bao phủ toàn cầu, FT được coi là tờ báo sáng tạo hàng đầu và liên tục về online trong thế giới các nhật báo. Họ ra mắt trang FT.com vào tháng 5/1995 và áp dụng việc thu phí vào năm 2002. Tháng 7/2006, FT công bố dự định tích hợp tờ báo in sâu hơn với FT.com, và việc này diễn ra đồng thời với một chương trình cắt giảm nhân sự tự nguyện. Hệ thống thu phí metered paywall được áp dụng vào năm 2007, rồi tiếp theo là ứng dụng mobile app sử dụng công nghệ HTML5 vào năm 2011.

Điều đặc biệt quan trọng là các nguồn thu đã thay đổi. Vào năm 2006, nguồn thu từ digital chỉ chiếm 14% nhưng vào năm 2011, con số này đã tăng lên 47%. Tính chung số người trả tiền đọc tờ Financial Times (gồm cả báo in và điện tử) vào tháng 10/2013 đạt 629.000, cao hơn nhiều so với mốc đỉnh cao phát hành của báo in và là mức cao nhất trong lịch sử 125 năm hoạt động của báo này.

Trong khi đó, TMG, sở hữu tờ Telegraph, vào năm 2013 đã hợp nhất hoạt động nội dung thành một hoạt động thống nhất, phục vụ các sản phẩm in và digital 24 giờ mỗi ngày. Giờ đây, thu nhập của Telegraph là 50% từ quảng cáo và 50% từ phát hành. Số phát hành báo in hằng ngày là 571.000, trong khi số người trả tiền digital là 320.000. Trong số 61 triệu người dùng unique mỗi năm, chỉ có 23 triệu từ Anh, có nghĩa Telegraph đã trở thành một trang web toàn cầu. Tại quê hương mình, Telegraph là trang web đứng thứ 7 và nhận được khoảng 20.000 bình luận của độc giả mỗi ngày. Lượng truy cập website tăng gấp 10 lần kể từ năm 2006, khi hoạt động sản xuất báo in và digital lần đầu tiên được tích hợp.

Trong bài viết đăng trên trang MediaWeek vào ngày 29/6/2015, giám đốc thương mại của Bloomberg Media là Matt Teeman tiết lộ rằng tuy Bloomberg nổi tiếng với các thông tin tài chính nhưng sức mạnh hiện tại của họ nằm ở sự kết hợp giữa truyền hình, báo in, digital và những sự kiện được truyền trực tiếp, được hỗ trợ bởi lượng dữ liệu khổng lồ và những phân tích chuyên sâu từ hệ thống terminal của hãng tin này.

Báo chí đa nền tảng và sự trở về với giá trị cốt lõi

Đương nhiên, còn có thể kể ra rất nhiều cái tên khác nữa, từ những tờ báo hàng đầu nước Mỹ như New York Times, Washington Post cho đến nhiều cơ quan báo chí của Bắc Âu, Đức và cả những quốc đảo hay vùng lãnh thổ nhỏ bé như Singapore và Hong Kong, hay các hãng tin toàn cầu như Reuters, Al Jazzera. Chiến lược đa nền tảng – bên cạnh nhiều chiến lược sáng tạo khác – đang giúp họ biến đổi mạnh mẽ.

Tình hình tại Việt Nam

Thuật ngữ đa nền tảng bắt đầu được nhắc nhiều tại các hội thảo báo chí quốc tế vào năm 2010, và thế giới đã tiến rất nhanh trong vấn đề này. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta vẫn đang loay hoay với các khái niệm về đa phương tiện và hội tụ. Tại Đại hội Báo chí Thế giới ở Washington DC hồi tháng 6/2015, các chuyên gia đã khẳng định rằng “hội tụ nay là câu chuyện lạc hậu”. Không phải những khái niệm này giờ đây không cần thiết mà đơn giản đa phương tiện và hội tụ là chuyện đương nhiên, không cần bàn cãi nữa.

Nhưng rất khó để thấy một cơ quan báo chí ở Việt Nam thực sự có chiến lược phát triển đa nền tảng. Đa số các báo in chỉ coi mảng digital như một phần nhỏ, do cấp phòng quản lý và hoạt động tương đối độc lập. Thậm chí vẫn có tình trạng bố trí nhân sự phụ trách online là những người có năng lực kém hơn với suy nghĩ đơn giản rằng website chỉ là phiên bản hỗ trợ cho báo giấy, thuần túy cắt dán nội dung từ báo in. Một số ít tờ báo chú trọng hơn về mảng website và giao cho những lãnh đạo cấp cao phụ trách, nhưng chính những lãnh đạo này cũng than phiền rằng digital chưa hề được coi là trụ cột chính.

Báo chí đa nền tảng và sự trở về với giá trị cốt lõi
Rất khó để thấy một cơ quan báo chí ở Việt Nam thực sự có chiến lược phát triển đa nền tảng. Đa số các báo in chỉ coi mảng digital như một phần nhỏ.

Một số báo có các website, các ứng dụng cho tablet và mobile nhưng nói chung chỉ dừng ở dạng thô sơ, sử dụng nhiều cái vỏ khoác lên một nội dung giống nhau mà thôi. Hình thức truyền tải nội dụng của báo chí Việt Nam vẫn còn khá đơn giản, bao gồm thông tin văn bản gắn kèm với ảnh và video, xu hướng thiết kế tự thay đổi cho thích ứng với màn hình – “responsive design” – vẫn là điều xa lạ với hầu hết website tin tức ở Việt Nam. Cũng cần đánh giá công bằng là một số cơ quan báo chí cũng có khá nhiều sản phẩm trên nhiều nền tảng khác nhau – và cũng là nỗ lực sáng tạo đáng hoan nghênh – nhưng đa phần những sản phẩm đó không được kết nối trong một chiến lược đa nền tảng thực sự.

Các cơ quan báo chí lớn cũng có cách tổ chức không khác với xu hướng chung ở Việt Nam, khi xây dựng riêng một đơn vị phát triển website và hoạt động khá độc lập từ khâu sản xuất nội dung đến phát hành và triển khai các hoạt động thương mại, quảng cáo. Đương nhiên, các đơn vị này có quy mô khá lớn, số lượng nhân sự tương đương một tờ báo trung bình, nhưng nó không phải là cách thức hoạt động đa nền tảng đúng nghĩa khi không tận dụng được nguồn lực chung để xây dựng chiến lược nội dung bền vững đồng thời cho nhiều nền tảng, để vừa đạt hiệu quả thông tin, vừa tiết kiệm được chi phí.

Thông tấn xã Việt Nam có lẽ là một trong những đơn vị báo chí có cơ hội phát triển chiến lược đa nền tảng nhờ cách tổ chức khá đặc thù nhằm phục vụ khách hàng là những cơ quan báo chí trong và ngoài nước, và sau này là cả các đối tượng người dùng đầu cuối thông qua nhiều ấn phẩm in, kênh truyền hình và báo điện tử. TTXVN gồm các đơn vị sản xuất tin nguồn cùng một mạng lưới gần 100 cơ quan thường trú bao phủ mọi tỉnh thành của Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới, trải rộng 5 châu lục.

Trong những năm qua, chúng tôi đã triển khai bước chuẩn bị là đào tạo kỹ năng làm báo hiện đại cho đội ngũ phóng viên trẻ để có thể tác nghiệp đa phương tiện trong mọi hoàn cảnh, bước tiếp theo là nâng cao năng lực cho đội ngũ biên tập viên để có thể xử lý dòng thông tin khổng lồ một cách linh hoạt và năng động, thậm chí biết cách tạo ra những nội dung mới hoặc thậm chí một sản phẩm thông tin mới, đồng thời với việc tổ chức hệ thống điều phối để phân luồng thông tin chảy về các nền tảng khác nhau. Điều quan trọng là mọi hoạt động trong hệ thống đều được phải quản lý thống nhất và việc ra quyết định ở tất cả các cấp độ phải nhanh chóng, kịp thời. Một yếu tố then chốt nữa là phải sáng tạo và đổi mới bởi đây chính là động lực để phát triển.

***

Khi Internet phát triển và phát triển điện tử trở thành con đường tất yếu của báo chí, giới nghiên cứu đã đưa ra nhiều thuật ngữ để nhấn mạnh sự ưu tiên, ban đầu là web-first (ưu tiên website), sau đó là digital-first để chỉ một chiến lược digital tổng thể. Gần đây do sự phát triển quá mạnh mẽ của điện thoại di động, mobile-first lại trở thành lời kêu gọi đối với các nhà xuất bản tin tức, chưa kể một xu hướng đang nổi lên là social-first – ưu tiên phát thông tin lên mạng xã hội thậm chí trước khi phát tin chính thức.

Chiến lược đa nền tảng (multiplatform) với đòi hỏi thông tin phải xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả, và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin, thực tế lại đang đưa báo chí trở về với nguyên tắc cơ bản nhất của mình: coi độc giả là ưu tiên số 1 (audience-first).

Theo Zing

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây