Từ ngày 24 – 27/7 vừa qua, ông Thuận Phạm – Tổng giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu đã có mặt tại Việt Nam để tham gia các hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình UberEXCHANGE – Khởi nghiệp thông minh.
Unicorn Talks là buổi trò chuyện với sinh viên và cộng đồng startup cùng ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VNG. Đây là chương trình do Uber tổ chức phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp, cùng sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm định hướng và hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam.
Dưới đây là một số câu hỏi thú vị trong chương trình Unicorn Talks.
Q: Ông gia nhập Uber từ khi công ty chỉ có 40 kỹ thuật viên. Đến nay, Uber đã trở thành một startup được định giá 7 tỷ đô với 2,000 kỹ thuật viên và gần như thay đổi toàn bộ giao thông trên toàn cầu. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm?
A: Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi tôi trả lời rằng mình không cảm thấy có gì khác biệt so với thời gian làm việc ở những công ty startup khác. Tôi gần như đã cống hiến cả đời mình cho các công ty khởi nghiệp, trong số các công ty tôi từng làm việc trước đây, chỉ có HP là công ty duy nhất có số nhân viên lên đến hàng ngàn.
Uber cũng giống như các startups khác, công ty lúc đó chỉ có 40 kĩ sư, mọi người còn trẻ và làm việc rất chăm chỉ. Tôi có những tiêu chuẩn của riêng mình để quyết định có tham gia vào một startup nào hay không, chứ không quyết định cảm tính. Những câu hỏi mà tôi đặt ra là: Thứ nhất, startup này có thực sự giải quyết được vấn đề nào cho cộng đồng không? Thứ hai, bạn có thật sự muốn làm việc với đội ngũ này hay không? Và cuối cùng, bạn có thích ông chủ của mình không? Vì bạn chỉ được chọn ông chủ của mình một lần duy nhất khi gia nhập vào công ty.
Uber đã trả lời tốt ba câu hỏi này. Họ có một mô hình kinh doanh khá thú vị, dĩ nhiên không có gì đảm bảo rằng mô hình này sẽ thành công. Khi tiếp xúc với các lãnh đạo Uber tôi đã nghĩ: “Nếu tôi không nắm bắt cơ hội này, chắc chắn một ngày nào đó tôi sẽ hối hận dù có thành công hay không.” Với Uber, chúng tôi cảm thấy mình đang thực sự mang đến những giá trị lớn lao cho người dân toàn thế giới.
Và với những kĩ sư tài năng, nhiệt huyết Uber đã phát triển ngoài sức tưởng tượng. Mỗi ngày trôi qua tại Uber rất căng thẳng, nhưng chúng tôi tự hào vì những gì mình đã đạt được. Từ các kỹ sư, phòng kế hoạch & kinh doanh đến bộ phận tài chính, tất cả mọi người trong công ty đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng Uber như ngày hôm nay. Nếu không gặp rất nhiều khó khăn, thất bại, thử thách để học tập, rút kinh nghiệm thì chắc chắn chúng tôi không thể phát triển như hiện tại.

Q: Đây là lần thứ hai ông Thuận Phạm trở lại Việt Nam (sau lần đầu tiên cách đây 17 năm), chắc chắn rằng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Khác với 17 năm trước, chúng ta đã có thể sử dụng Uber thay vì đi xe đạp. Ông nghĩ gì về vai trò của Uber tại Việt Nam? Quan điểm của ông về sứ mệnh của một công ty toàn cầu là gì?
A: Tôi không thể nhận ra đường phố ở Việt Nam nữa. Như tôi đã chia sẻ với Minh trước đó, khi trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào 17 năm trước, hai vợ chồng tôi (lúc đó chưa có con) đã dành hơn một tháng đi du lịch xuyên Việt từ Hà Nội xuống tận Bạc Liêu, Cà Mau. Khi ở Sài Gòn, tôi mượn xe đạp của anh họ mình để đi khắp thành phố, về thăm trường cũ – Lê Quý Đôn, nhà cũ. Bây giờ khi trở lại, đường phố gần như không có sự hiện diện của xe đạp. Mức độ tăng trưởng thật tuyệt vời. Quá trình hiện đại hóa ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ công nghệ, cuộc sống của chúng ta đang được cải thiện, thay đổi nhanh chóng.
Uber ra đời từ ý tưởng đơn giản là kết nối bạn với tài xế để có được chuyến đi an toàn, tiết kiệm. Để hiện thực hóa ý tưởng đó, bạn cần giải quyết những vấn đề như lưu trình duyệt, xác định địa điểm, lưu trữ dữ liệu, xây dựng insight… và từng bước hoàn thiện, làm chủ hệ thống của mình. Chúng tôi đang từng bước phát triển hệ thống để mang đến một phương thức di chuyển an toàn, thuận tiện hơn cho mọi người. Trong tương lại, tầm nhìn của Uber là thông qua công nghệ để giảm thiểu lượng phương tiện di chuyển, từ đó hạn chế ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, giảm thiểu áp lực về địa điểm đậu xe, bãi giữ xe,..
Q: Ông có lời khuyên nào để cộng đồng startup Việt Nam nói chung, cũng như các startup và kỹ sư đang có mặt trong ngày hôm nay nói riêng có thể phát triển kịp các nước trong khu vực và trên thế giới?
A: Theo tôi để startup thành công, một là các bạn phải sẵn sàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Muốn phát triển nhanh, bạn phải chấp nhận sai lầm và vượt qua sai lầm một cách nhanh chóng. Thậm chí những kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm cũng không tránh khỏi điều này. Ở Uber chúng tôi không nghi ngờ năng lực của các kỹ sư hay nghi ngờ năng lực của chính mình. Mọi sai lầm được chúng tôi xem là những thách thức mà mình phải vượt qua. Miễn là sau thất bại, khó khăn đó bạn học hỏi, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Khi làm startup, điều mà các bạn nên nghĩ đến đó là mình đang giải quyết vấn đề gì? Giải quyết bằng cách nào để được người dùng chấp nhận, và sẵn sàng bỏ tiền để được sử dụng? Bạn phải xác định sản phẩm của mình phù hợp với thị trường như thế nào? Nếu bạn không giải quyết được vấn đề cho người dùng, chắc chắn họ sẽ không mua sản phẩm của bạn. Trong giai đoạn ban đầu cần phải chứng minh mình có khả năng sáng tạo, có thể phát triển thật nhanh.
Không có bí mật gì để làm được điều đó. Chỉ có sự dám nghĩ dám làm, không sợ thất bại mà thôi.
Q: Xin ông cho biết quy mô đội ngũ kĩ sư của Uber? So với lúc bắt đầu, việc xây dựng và quản lí nhân viên hiện tại có gì khác biệt? Nói kĩ sư công nghệ làm việc năng suất vào buổi tối hơn ban ngày có đúng hay không?
Thuận Phạm: Chúng tôi đã bắt đầu rất khiêm tốn với nhóm 40 kĩ sư trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm. Hiện tại, chúng tôi có khoảng 2000 kĩ sư trong đội ngũ nòng cốt. Điều quan trọng nhất là bạn có tuyển dụng được những người thật sự đam mê, nhiệt huyết với công việc, với tổ chức, với sứ mạng của công ty hay không.
Với 2000 người, bạn phải phân chia đội ngũ của mình thành những nhóm nhỏ hơn. Hiện tại, cơ cấu của Uber chưa thực sự hoàn hảo vì vẫn có khoảng cách giữa các bộ phận. Đôi khi chúng ta tập trung phát triển quá nhiều ở một phương diện này mà bỏ qua các phương diện còn lại. Nhưng nhìn chung, cần phải tổ chức công ty một cách hợp lý. Đương nhiên, chúng tôi nỗ lực đào tạo nhân viên của mình thật tốt. Tôi bỏ ra rất nhiều thời gian để đào tạo các giám đốc, quản lí để họ có thể thực hiện tốt công việc của mình trong các bộ phận, phòng ban mà họ chịu trách nhiệm. Các quản lí và giám đốc của Uber rất biết điều phối công việc, đồng thời quan tâm và truyền cảm hứng cho đội ngũ kĩ sư. Hãy bắt đầu từng bước nhỏ, xây dựng từng phần. Bạn có thể đẩy nhanh tiến trình này nhưng không thể cắt bỏ bất kì một bước nào.
Lê Hồng Minh: Với tư cách là một người khởi nghiệp không chuyên về công nghệ, tôi không thường lo lắng về thời gian làm việc của nhân viên mà quan tâm hơn đến kết quả công việc của họ. Ở VNG, chúng tôi không có giờ làm việc chính thức, cũng không có đồng phục bắt buộc cho nhân viên. Chúng tôi chỉ yêu cầu mọi người tôn trọng lẫn nhau. Ngoại trừ những buổi họp cần thiết, việc bạn có mặt tại công ty lúc nào không quan trọng. Tất nhiên, chúng tôi cố gắng hạn chế các buổi họp để các kĩ sư có thể tập trung vào chuyên môn của mình.
Đôi khi chúng ta sẽ thấy họ không tôn trọng môi trường hay giờ giấc chung. Nhưng dưới vai trò là một nhà khởi nghiệp không chuyên công nghệ, điều quan trọng hàng đầu là bạn phải thấu hiểu đội ngũ kĩ thuật của mình và hiểu rõ họ có đang làm việc, phục vụ cho việc kinh doanh của công ty hay không. Điều thứ hai là bạn phải hiểu về công nghệ, đừng quá phụ thuộc vào những nhân viên khác. Bạn phải biết đánh giá xem ý kiến và cách giải quyết của đội ngũ kĩ thuật có đúng đắn hay không?
Q: Ông có thể chia sẻ thêm về công việc trước đây và những “giới hạn” mà ông đã “bứt phá”? Ông nghĩ gì về những “giới hạn” mình đang có trong hiện tại?
Thuận Phạm: Tôi không đặt bản thân trong vòng an toàn. Trước đây, tôi đã từng ra nhiều quyết định rủi ro đến mức khiến gia đình lo lắng, nhưng hóa ra đó lại là những quyết định đúng đắn. Công việc đầu tiên sau đại học của tôi là làm nghiên cứu tại HP. Sau bốn năm, tôi cảm thấy công việc không còn thách thức nữa. Tôi kết thúc việc nghiên cứu và chuyển sang tham gia vào sản xuất ra những sản phẩm có tính ứng dụng ở các công ty nhỏ hơn. Sau này, tôi liên tục thay đổi công ty khi cảm thấy không còn gì mới mẻ. Thời gian đó tôi đã đạt được điều mình mong muốn là được làm việc và xây dựng một đội ngũ có thể sản xuất ra những sản phẩm có ý nghĩa. Ngoài ra, những mối quan hệ với những chuyên gia, doanh nghiệp ở Thung Lũng Sillicon mà tôi tích lũy được sau thời gian này đã mở ra cho tôi rất nhiều cơ hội. Cơ hội sẽ tìm đến bạn nếu bạn biết phát triển bản thân trong quá trình làm việc. Khi tôi cảm thấy mình không còn tiến bộ, tôi sẽ tự rời khỏi khu vực an toàn đó, đặt mình vào một tình huống thách thức hơn và bắt đầu học hỏi.
Lê Hồng Minh: Những gì chúng ta đang có ở hiện tại chính là rào cản hạn chế sự phát triển của chúng ta. Ở VNG, chúng tôi suy nghĩ rất kĩ về tương lai của công ty và nhận ra sự thành công ở hiện tại đang giới hạn mình. Chúng tôi phải tìm cách duy trì tình hình kinh doanh hiện tại của mình nên không thể tập trung toàn bộ thời gian để cân nhắc về chặng đường tiếp theo. Các bạn startups ở đây hẳn sẽ nghĩ rằng mình thiếu khả năng, thiếu vốn, nguồn lực. Thật ra, các bạn có nhiều lợi thế hơn cả các công ty lớn như Uber, VNG: Bạn không chịu sự giới hạn của tình hình hiện tại, bạn không phải đối mặt với những vấn đề về tài chính, về mục tiêu như chúng tôi. Các bạn được tự do để phát triển và tiến đến tương lai.
Q: Trong thời gian sắp tới, ông có kế hoạch gì trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình cho sự phát triển công nghệ tại Việt Nam không?
Thuận Phạm: Sắp tới, tôi sẽ dành nhiều thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức mình học hỏi được với các bạn. Hơn nữa, hỗ trợ sự phát triển con người và phát triển đô thị là một trong những những mục tiêu chủ chốt của Uber. Việc các bạn áp dụng những chia sẻ này vào thực tế, dám đón nhận rủi ro, can đảm đưa ra các quyết định, phát triển bản thân hết mức có thể đã là điều hạnh phúc với tôi.
Anh đã xây dựng một công ty lớn mạnh trong ngành công nghệ Việt Nam, đây là một việc không hề dễ dàng và có nhiều khác biệt với môi trường quốc tế. Anh có thể chia sẻ những phương pháp mà anh đã áp dụng cho thị trường Việt Nam không?
Lê Hồng Minh: Chúng ta cần tìm thấy những điểm chung để nhận ra những điểm khác biệt. Tất cả các công ty công nghệ trên thế giới đều giống nhau, chúng tôi nhìn thấy cơ hội từ nhu cầu của khách hàng trong thế giới thực và sử dụng công nghệ để giải quyết các nhu cầu đó. Cách đây bốn năm, VNG đã nhìn thấy tiềm năng phát triển thị trường điện thoại ở Việt Nam. Chúng tôi nhận ra nhắn tin, liên lạc là nhu cầu hàng đầu của người tiêu dùng khi sử dụng điện thoại. Do đó chúng tôi đã tập trung phát triển ở lĩnh vực này.
Về cơ bản, tiêu chuẩn ở các thị trường đều giống nhau, khác biệt duy nhất chính là hoàn cảnh. Môi trường Việt Nam không giống như Mỹ, chúng ta không có cơ hội tiếp cận với hàng ngàn kĩ sư dày dặn kinh nghiệm từ các công ty Microsoft, Google… cũng không tiếp cận được với nguồn vốn lớn hay văn hóa kinh doanh lớn. Bạn phải biết tận dụng những giới hạn để đạt được kết quả tốt. Nếu không đủ điều kiện, đừng suy nghĩ đến một quy mô kinh doanh lớn, hãy thử thực hiện với những nguồn lực có hạn ở Việt Nam. Như ông Thuận đã chia sẻ, chúng ta đều xoay quanh các vấn đề chung như tuyển dụng, xây dựng cơ cấu tổ chức, phát triển công nghệ… Chúng ta đều có điểm chung là phải trao đổi rất nhiều với chính phủ để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Điều quan trọng là bạn phải có quyết tâm. Ở môi trường Việt Nam, chỉ khác biệt là chúng ta có thể phải nỗ lực với thời gian dài hơn mà thôi.
Thuận Phạm: Bạn phải kiên nhẫn. Trong môi trường quốc gia khởi nghiệp, bạn phải bắt đầu từng bước một với cộng đồng đầu tư, sự hỗ trợ của chính phủ, chiến lược giá phù hợp với môi trường cạnh tranh lành mạnh… Thung Lũng Sillicon thành công như hôm nay là nhờ có hệ thống giáo dục tiến bộ, nhờ có những nhân tài đến từ các trường đại học nổi tiếng như Brooklyn, Stanford… Chính sự tập trung của người tài đã thu hút đầu tư. Tương tự như thế, chính khách hàng đã thu hút các nhà cung ứng. Các bước phát triển này được sắp xếp từng bật một, bạn có thể đẩy nhanh chúng nhưng không thể bỏ đi bất kì một bước nào.