Việc Nokia nổi lên tại MWC 2017 dù không làm các đại gia smartphone lo lắng, nhưng nó có thể gợi lại nỗi đau của người khổng lồ Microsoft

Liên minh HMD Global và hãng sản xuất Foxconn dù không quá nổi bật tại MWC 2017, nhưng họ đã có con bài gây chú ý là Nokia 3310, việc khai quật huyền thoại màn hình trắng đen và gần như không thể phá huỷ để cải tạo nó thành kiểu dáng có tính hợp thời hơn đã làm cho người dùng chú ý.

Điều rất lạ là dù sở hữu thương hiệu Nokia, nhưng Microsoft đã không tận dụng lại những sản phẩm từng làm nên tên tuổi của hãng điện thoại Phần Lan mà chỉ hướng đến việc đưa hệ điều hành Windows Phone, thậm chí gạt cả Meego cũng như huyền thoại trong giới điện thoại cơ bản là Symbian OS.

Mua cực đắt, nhưng bán cực rẻ

Kế hoạch bí mật giúp Nokia quay trở lại sân chơi smartphone sau khi bán mình

Tháng 9/2013, Microsoft thông báo chính thức đạt được thỏa thuận mua lại bộ phận sản xuất điện thoại và các dịch vụ liên quan của Nokia với giá 5 tỷ USD, cộng thêm tiền bản quyền sáng chế thuộc sở hữu của hãng này là 2,18 tỷ USD, đưa tổng giá trị lên đến 7,17 tỷ USD.

Kể từ thương vụ này, điện thoại Nokia mặc định cài hệ điều hành Windowsphone của Microsoft, với các dòng cấp thấp hơn vẫn được bán ra, nhưng có vẻ Microsoft chỉ tập trung chào mời các sản phẩm smartphone trong nỗ lực muốn đánh chiếm thị phần của Android và iOS đang nắm giữ.

Nỗ lực này gần như đã được Microsoft chứng minh là thất bại, thương vụ thâu tóm này không những không giúp thị phần Windows Phone tăng hơn mà còn khiến Microsoft gánh khoản lỗ khổng lồ. Trung bình mỗi chiếc điện thoại Windows Phone được bán ra thì hãng phải bù lỗ tới 0,12 USD, chưa tính chi phí nghiên cứu phát triển và tiếp thị.

Theo nhiều tờ báo uy tín, hội đồng quản trị của Microsoft bao gồm Bill Gates đều không đồng tình với quyết định thâu tóm mảng di động của Nokia, điều này khiến cựu CEO Ballmer tỏ ý bất mãn muốn rời bỏ công ty.

Kế hoạch bí mật giúp Nokia quay trở lại sân chơi smartphone sau khi bán mình

Khi Satya Nadella điều hành công ty, với tính cách quyết liệt của mình, ông đã thực hiện những cải tổ tận gốc đối với mảng điện thoại: Năm 2015, Microsoft đã sa thải 7.800 nhân viên, đồng thời ghi giảm bút toán 7,6 tỷ USD với mảng kinh doanh điện thoại cầm tay Nokia.

Điều này cho thấy số tiền hãng bỏ ra mua Nokia 14 tháng trước gần như bị xóa sạch hoàn toàn. Tổng cộng đã có hơn 12.000 nhân viên Nokia tại Phần Lan mất việc.

Đối với giới công nghệ, không ai không biết Microsoft đã chính thức chấm dứt mối lương duyên với mảng kinh doanh điện thoại phổ thông Nokia trong một thương vụ trị giá chỉ 350 triệu USD với FIH – một chi nhánh của tập đoàn Foxconn Đài Loan và HMD Global – một công ty Phần Lan.

Đã có một kế hoạch chi tiết để giải cứu thương hiệu Nokia?

Kế hoạch bí mật giúp Nokia quay trở lại sân chơi smartphone sau khi bán mình

Giới phân tích từ lâu đã chú ý tới cái tên HMD Global, công ty này chỉ mới được thành lập cùng ngày ký kết thỏa thuận, do chính công ty Nokia ở Phần Lan tham gia thành lập và được điều hành bởi cựu lãnh đạo Nokia và Microsoft là Arto Numella. Thực tế đây chỉ là thương vụ mua qua bán lại giữa Microsoft và Nokia.

Liên minh HMD và Foxconn ở thoả thuận đầu tiên đã đàm phán với Microsoft để mua lại quyền sản xuất điện thoại cơ bản, mảng sản xuất thiết bị vẫn sinh ra lợi nhuận nhưng không thể bù đắp nổi chi phí mà gã khổng lồ xứ Redmond đã bỏ ra. Và đến cuối năm 2016, HMD cũng đã mua lại được cả quyền sản xuất smartphone, cho thấy Microsoft gần như đã bỏ luôn mảng thiết bị này.

Nhưng vấn đề ở đây là thời gian, nó gần như ngắn đến kỳ lạ. Hãy xem qua thống kê một chút:

Năm 2013 Nokia bán mảng điện thoại kèm quyền sử dụng thương hiệu Nokia cho Microsoft, đến tháng 5 năm 2016 Nokia lập HMD mua lại quyền sử dụng thương hiệu Nokia mảng điện thoại. Và chỉ vọn vẹn trong vòng chưa đầy 10 tháng, tính đến sự kiện MWC 2017 này thì liên minh HMD mới đã kịp tung ra đến 4 chiếc điện thoại, trong đó là 3 chiếc smartphone và một sản phẩm làm lại từ Nokia 3310.

Có thể đạt được việc này nhờ đối tác của HMD là Foxconn đã quá dầy dạn trong việc sản xuất smartphone, nhưng liệu rằng đằng sau đó có thể nào là một kế hoạch cực kỳ cẩn thận nhằm đưa ra kế hoạch vực dậy Nokia tính từ thời điểm hãng này bán quyền sử dụng lại cho Microsoft?

Trở lại MWC 2017, HMD đã giới thiệu 3 chiếc smartphone cùng với việc làm mới huyền thoại Nokia 3310. Có thể thấy về mặt bằng thị trường smartphone, 3 chiếc smartphone được HMD giới thiệu không hẳn là sản phẩm đem đến sự nổi bật, nhưng huyền thoại Nokia 3310 đã gần như chạm đến cảm xúc của những cây bút công nghệ lâu năm, từng có một thời mê mẩn chơi game Snake trên chiếc máy màn hình đen trắng.

Kế hoạch bí mật giúp Nokia quay trở lại sân chơi smartphone sau khi bán mình

Đây có thể xem là một phương thức tự quảng bá bản thân rất hay, khi mà Nokia vẫn còn sở hữu rất nhiều fan trên toàn thế giới với tình cảm dành cho thương hiệu gần như nguyên vẹn.

Trong khi Microsoft xem đây sẽ là cơ hội thoát nợ, thì Nokia lại thỏa tham vọng hồi sinh thương hiệu điện thoại của chính mình. Và cái giá 350 triệu USD được xem là một món quá hời dành cho liên minh HMD Global và Foxconn khi hãng có toàn quyền với thương hiệu cùng những bằng sáng chế của Nokia.

Chính vì thế, sẽ không lạ gì khi sắp tới, HMD lại giới thiệu tiếp một hay vài huyền thoại khác của Nokia (kèm với những nâng cấp hợp thời hơn) để cộng đồng người dùng hào hứng. Cũng rất có thể, HMD sẽ có thể bắt đầu từ việc đánh chiếm lại phân khúc điện thoại cơ bản, khi trong năm 2016 Nokia vẫn bán ra đến 35 triệu điện thoại cơ bản với chức năng gọi nghe, nhắn tin, lướt web và nghe nhạc, phân khúc mà Samsung hiện đang dẫn đầu nhưng cách biệt thực sự không quá lớn.

Rốt cục thì, có vẻ cú bán mình tốn nhiều bút mực và thương tiếc cho Nokia vào năm 2013 có lẽ đã được “định trước” rằng đó không phải là sự chấm dứt mà là sự khởi đầu của một kế hoạch dài hơi cho phượng hoàng tái sinh, sự trở lại của ông vua ngành điện thoại – Nokia

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây