Hãy chia thu nhập của bạn vào 6 chiếc hũ, đây là công thức quản lý tiền dễ, hiệu quả và đơn giản nhất do tác giả sách “Bí mật tư duy triệu phú” đúc kết ra

Công thức này do T. Harv Eker – ông là tác giả của cuốn sách bán rất chạy Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth) nghĩ ra. Harv Eker cũng là người sáng lập kiêm giám đốc công ty Peak Potential Trainning, một trong những công ty đào tạo – nghiên cứu phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới với nhiều khóa học như Tư duy triệu phú (Millionaire Mind Intensive), Tư duy đột phá của doanh nhân thành công (Guerilla Business Man), Làm chủ tư duy (Master Your Mind)…

Câu nói nổi tiếng của T. Harv Eker “Rich people manage their money well. Poor people mismanage their money well.” – T. Harv Eker (tạm dịch: người giàu quản lý tiền của họ rất giỏi, người nghèo không biết quản lý tiền của họ). Theo Harv Eker bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 chiếc hũ để quản lý tiền bạc, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình không có nhiều tiền để quản lý. Điều quan trọng là bạn cần phát triển nó thành thói quen. Thậm chí với 100 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu phương pháp này.

Kiểm soát tài chính bằng công thức chia tiền vào 6 chiếc hũ

Một cách dễ hiểu, phương pháp hũ tiền là một hệ thống quản lý tiền không chỉ tập trung vào việc xây dựng sự giàu có về tài sản mà còn phát triển bản thân. Phương pháp này cũng được thiết kế nhằm tạo thói quen quản lý tài chính cho mỗi cá nhân. Rất đơn giản, bạn hãy chuẩn bị 6 cái hũ (có thể là hũ bất kỳ, két sắt hay tài khoản ngân hàng). Mỗi cái hũ có tên và chức năng nhất định. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, lợi nhuận bán hàng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 hũ. Dưới đây là mẹo phân chia tiền ra các hũ

1. Quỹ tự do tài chính – Financial Freedom Account (FFA): 10%

Tự do tài chính là khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác. Bạn cần lập hũ FFA để tiền làm việc thay cho bạn. Bằng cách này, bạn đã tạo ra “con ngỗng đẻ trứng vàng – golden goose” để bạn sử dụng khi không còn làm việc, đây cũng là nguyên tắc tài chính đầu tiên “trả tiền cho chính mình trước – pay yourself first”.

Không bao giờ tiêu tiền trong hũ này luôn là nguyên tắc tiên quyết. Bạn chỉ nên sử dụng nó khi bạn đã thực sự tự do về mặt tài chính. Bạn chỉ được dùng hũ này để đầu tư và tạo ra thu nhập thụ động. Càng nhiều tiền làm việc cho bạn, bạn sẽ càng ít phải làm việc hơn.

2. Tiết kiệm dài hạn – Long Term savings for Spending (LTS): 10%

Bạn cần hũ LTS vì điều quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu mà là bạn giữ được bao nhiêu. Bạn sử dụng Hũ cho những mục tiêu lâu dài, thực hiện những ước mơ của bạn như mua nhà, mua xe, … Ngoài ra cũng có thể sử dụng lúc khẩn cấp.

Quỹ này có hai mục đích: Tiết kiệm cho dài hạn và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Ban đầu, bạn nên chia số tiền 10% tổng thu nhập này thành hai phần bằng nhau cho hai mục đích. Khi đã tiết kiệm đủ cho những trường hợp khẩn cấp (có giá trị tương đương khoảng 6 tháng chi tiêu hàng ngày) thì có thể cất riêng khoản này ra và tập trung cho những mục tiêu lâu dài như mua nhà, mua ôtô, cho con vào đại học.

3. Giáo dục đào tạo – Education (EDUC): 10%

Hũ EDUC dùng để rèn luyện phát triển bản thân mỗi ngày. Đầu tư tốt nhất là đầu tư vào việc học; “tầm vóc” của bạn càng lớn, bạn càng hấp dẫn được những thứ lớn, cho dù đó là tiền tài, danh vọng hay hạnh phúc. Bạn dùng Hũ EDUC để mua sách, đĩa CD luyện ngoại ngữ, tham gia các khóa học, đào tạo, diễn thuyết; hay gặp gỡ, giao lưu để học hỏi từ những những người thành công. Khi bạn phát triển, tiền bạc của bạn cũng phát triển theo.

4. Nhu cầu thiết yếu – Necessities (NEC): 55%

Được sử dụng để đảm bảo nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống, đơn giản có thể nói là để tồn tại. Bạn dùng hũ NEC để ăn uống, sinh hoạt; vui chơi, giải trí, mua sắm và các chi phí khác.

Xin lưu ý là nếu hiện tại Hũ NEC của bạn ở mức trên 80% thu nhập, bạn cần tăng cường thêm nguồn thu nhập hay cắt giảm chi phí để đạt được tự do tài chính.

5. Hưởng thụ – PLAY: 10%

Hũ PLAY được sử dụng để bạn hưởng thụ. Trong cuốn sách của mình, T. Harv Eker khuyên rằng bạn nên sử dụng số tiền này cho những thú vui sang trọng. Hũ này được thiết kế với mục đích tạo ra sự cân bằng trong tài chính của bạn, do đó bạn vừa gia tăng của cải vừa được vui chơi tận hưởng cùng một lúc.

Hũ này giúp bạn thể hiện sự yêu quý bản thân; hưởng cảm giác của người thành công; làm những việc như người giàu và tăng cường khả năng đón nhận. Bạn sử dụng Hũ PLAY để làm những việc khiến cho bạn có cảm giác như người giàu: đến những nơi chưa từng đến, ăn những món chưa từng ăn. Ông còn khuyên chúng ta nên sử dụng hết số tiền này mỗi tháng.

6. Cho đi – GIVE: 5%

Hũ GIVE để giúp bạn thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Cuộc sống còn là sẻ chia, bạn cho đi để nhận lại nhiều hơn. Bạn dùng Hũ GIVE để làm từ thiện; giúp đỡ người thân; gia đình, bè bạn.

Tỷ lệ phần trăm không phải là yếu tố quan trọng khi bắt đầu. Để đảm bảo thành công tài chính của bạn, chỉ cần bắt đầu sử dụng hệ thống và xây dựng thói quen cho bản thân. Đây mới chính là chìa khóa. Chẳng có gì là hoàn hảo, nhất là từ lúc bắt đầu.

Thậm chí bạn có thể bắt đầu bằng cách chia 500.000 – 1.000.000 đồng một tháng vào mỗi hũ. Có một câu truyện đầy cảm hứng trong cuốn sách “Secrets of the Millionaire Mind”.

Chuyện rằng một người phụ nữ bắt đầu chia 1 USD vào các hũ mỗi tháng. Tháng đầu tiên, cô để 10 cent vào hũ PLAY, 10 cent vào hũ FFA, 10 cent vào hũ LTSS, và cứ như vậy. Cuối tháng đó, cô sử dụng tiền trong hũ PLAY để mua kẹo singum. Cô nhận được một cuốn truyện tranh comic kèm thêm cây kẹo mà cô đã mua. Cô ấy đọc cuốn truyện tranh hết sức thích thú và cười rất sảng khoái. 2 năm sau, cô có trong tài khoản FFA của mình 10.000 USD.

Giờ thì ai mới cười ai?

Bạn cũng có thể đọc thêm bài chia sẻ về cuốn sách ‘Secrets of the Millionaire Mind– Bí mật tư duy triệu phú’ để hiểu hơn một số nguyên tắc tư duy của người giàu.

Còn bạn thì sao? Đọc xong bài viết này có bắt tay vào thực hiện hệ thống hủ tiền cho riêng mình hay không? Nếu thích bài này hãy lưu và chia sẻ để mọi người cùng biết nhé.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây