Theo Reuters, Mỹ đã mở chương trình điều tra an ninh quốc gia với ByteDance – công ty mẹ của TikTok – về việc mua lại ứng dụng truyền thông xã hội Musical.ly năm 2017.

Mỹ điều tra an ninh quốc gia về TikTok

Hai năm trước, ByteDance Technology, chủ sở hữu TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đã chi 1 tỷ USD để mua Musical.ly, trong thỏa thuận gồm toàn bộ cơ sở người dùng của ứng dụng. Năm ngoái, Musical.ly sáp nhập hoàn toàn và trở thành một phần của TikTok. Sau khi hai bên đạt được thỏa thuận, mạng xã hội video của Trung Quốc phải đối mặt với nhiều áp lực từ các nhà lập pháp Mỹ.

Bất chấp căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang, TikTok vẫn trở nên ngày càng phổ biến tại Mỹ. Các nhà chức trách đang đặt một số câu hỏi về cách kiểm duyệt nội dung chính trị và cách ứng dụng này lưu trữ dữ liệu người dùng.

Tháng trước, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã kêu gọi điều tra an ninh về TikTok. Trong thư đề nghị, ông đưa ra một số câu hỏi về vấn đề kiểm duyệt nội dụng của ứng dụng, đồng thời đặt nghi vấn về việc TikTok xóa những bài viết không hay về chính phủ Trung Quốc trên nền tảng của mình. TikTok cho biết các quyết định kiểm duyệt được thực hiện tại trụ sở Mỹ, không bị ảnh hưởng bởi các nước khác. Đề nghị của ông Rubio được Charles E. Schumer, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, và Tom Cotton, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, kêu gọi chính phủ xem xét lại.

Theo Reuters, Mỹ đang đánh giá lại đề nghi của các vị Thượng nghị sỹ thông qua Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS). Cơ quan này chịu trách nhiệm xem xét các thỏa thuận có liên quan đến tình hình an ninh quốc gia của Mỹ. Nguồn tin cho biết TikTok không thông qua quy trình đánh giá của CFIUS khi mua lại Musical.ly. Các nhà lập pháp liên tục kêu gọi điều tra an ninh đối với TikTok vì lo ngại nền tảng này quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc và có nguy cơ gửi dữ liệu của người dùng Mỹ về Bắc Kinh. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị của Washington.

Quá trình điều tra sẽ trở thành rào cản mới của TikTok. Hiện tại, toàn ngành công nghiệp công nghệ nói chung đều đang phải đối mặt với những câu hỏi về vấn đề kiểm duyệt nội dung có liên quan đến Trung Quốc. Tháng trước, Apple vừa bị chỉ trích vì gỡ bỏ ứng dụng bản đồ hỗ trợ người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

“TikTok không thể bình luận về những quy trình quản lý của mình, tuy nhiên chúng tôi vẫn ưu tiên giữ được lòng tin của người dùng và cơ quan quản lý ở Mỹ. Một phần trong nỗ lực là hợp tác với Quốc hội, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện”, đại diện mạng xã hội tuyên bố.

Theo The Verge

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây