Ứng dụng video TikTok của Trung Quốc đang bị hai thành viên Quốc hội Mỹ thuộc hai đảng khác nhau kêu gọi chính phủ điều tra vì tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia.

Thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu điều tra TikTok vì tình nghi gián điệp

Thứ Tư vừa qua, Charles E. Schumer, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, và Tom Cotton, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, đã gửi yêu cầu đến Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, Joseph Maguire, đề nghị điều tra mạng xã hội TikTok. Trong thư đặt ra một số câu hỏi về vấn đề kiểm duyệt ứng dụng, đồng thời tỏ ra lo ngại nền tảng này sẽ tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị của Mỹ.

Theo The Washington Post, hai ông Schumer và Cotton đều cho rằng ứng dụng TikTok chứa mối nguy gián điệp mà nước Mỹ không thể xem thường. Họ nghi ngờ mạng xã hội này thu thập dữ diệu người dùng và giao cho chính quyền Bắc Kinh. Theo luật pháp Trung Quốc, mọi doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ nước này bắt buộc phải hợp tác với chính phủ, hỗ trợ cung cấp toàn bộ dữ liệu cho cơ quan chức năng nếu có yêu cầu.

Bên cạnh đó, hai vị thượng nghị sĩ cho rằng TikTok đang tuân theo yêu cầu của Bắc Kinh, hạn chế lan truyền các nội dung có liên quan đến chính trị, ví dụ như những thông tin về biểu tình ở Hồng Kông. Quy định kiểm duyệt đang được áp dụng ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến người Mỹ, vi phạm nhân quyền và tự do ngôn luận của công dân.

Cuối cùng, hai ông Schumer và Cotton lưu ý TikTok có thể bị lợi dụng để tuyên truyền các thông tin sai lệch ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến những chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Thực tế, mối lo của hai vị thượng nghị sĩ là có căn cứ. Năm 2016, nhiều tổ chức đã lạm dụng Facebook và Twitter để thao túng dư luận, đưa những tin đồn thất thiệt về tình hình chính trị nước Mỹ, tác động đến chiến dịch tranh cử Tổng thống năm đó.

TikTok là mạng xã hội video thuộc quyền sở hữu của công ty truyền thông ByteDance tại Trung Quốc, hiện khá phổ biến với thanh thiếu niên với hơn 110 triệu lượt tải xuống chỉ tính riêng ở thị trường Mỹ. Từ lâu, chính quyền Bắc Kinh nổi tiếng với những quy định kiểm duyệt dữ liệu nghiêm ngặt. Các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter và Instagram đều bị chặn ở nước này. Bất chấp những hạn chế, hiện tại vẫn có 6 trên 10 nền tảng Internet lớn nhất trên thế giới có trụ sở tại đất nước tỷ dân.

Yêu cầu điều tra TikTok của hai thượng nghị sĩ Mỹ đã một lần nữa nhắc nhở về tầm ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống và chính trị. Mỗi quốc gia trên thế giới đều có luật Internet khác nhau, các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động ở nhiều nước thường phải điều chỉnh quy định, điều khoản sao cho phù hợp với văn hóa và luật pháp ở từng khu vực và vùng lãnh thổ. Điều này đôi khi lại vô tình đe dọa đến tình hình an ninh quốc gia.

Hiện đề nghị của hai vị thượng nghị sĩ vẫn chưa được Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ phản hồi.

Theo Digital Trends

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây