Cảnh một nhà khoa học trẻ tự giam mình trong một phòng nhỏ và nhốt một chú chó trong phòng khác, sau đó thả ve chó ra để nghiên cứu xem chúng thích hút máu của ai hơn, nghe như nội dung của một bộ phim kinh dị. Nhưng thực tế đây là một thí nghiệm khoa học nghiêm túc.

Nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Hoa Kỳ (ASTMH). Các nhà khoa học đã quan sát tập tính của những con ve chó, loài sinh vật chuyên tìm và hút máu vật chủ, khi cho chúng di chuyển dọc theo một ống nhựa về phía hai căn phòng riêng biệt giam người và chó. Kết quả nghiên cứu thật bất ngờ, khi nhiệt độ tăng lên, tỷ lệ ve chó mang mầm bệnh sốt phát ban Rocky Mountain (RMSF) thích chích người cao gấp đôi so với chó.

Khi nhiệt độ phòng thí nghiệm tăng từ 23,3 độ C lên 37,8 độ C, loại ve “chó nâu” (brown dog), giống động vật ký sinh lại có xu hướng chuyển sở thích từ nơi nhốt chó sang phòng con người.

Trái Đất nóng dần khiến ve chó trở nên thích hút máu người hơn

Laura Backus, trưởng dự án nghiên cứu tại trường Thú y Davis trực thuộc Đại học California cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng khi thời tiết trở nên nóng bức, mọi người nên đề phòng lây nhiễm bệnh sốt phát ban Rocky Mountain (RMSF). Bởi vì kết quả thí nghiệm cho thấy khi nhiệt độ tăng từ khoảng 74 độ F (23,3 độ C) đến 100 độ F (37,8 độ C), ve chó nâu mang bệnh có xu hướng thích hút máu người hơn gấp 2,5 lần so với chó”.

Hiện nay có ngày càng nhiều vấn đề đáng lo ngại về sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm qua bọ ve. Số trường hợp mắc bệnh Lyme đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua, lên khoảng 30.000 ca mỗi năm, chỉ tính riêng ở Mỹ. Lyme là bệnh gây viêm ở những cơ quan quan trọng của cơ thể, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như méo một hoặc hai bên miệng, đau khớp, đau đầu đi kèm với cứng cổ, tim đập nhanh…

Theo thống kê, số ca mắc RMSF và một số bệnh có liên quan khác đã tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh nếu phát hiện trong tuần đầu tiên, nhưng nếu không điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong có thể cao hơn 20%.

Do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng lên, phạm vi sinh sống của ve chó nâu nhiệt đới ngày càng mở rộng, đặc biệt là các đợt nắng nóng kéo dài do thời tiết thay đổi. Chuyên gia Backus cho rằng cần phải xác định các điều kiện làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh, vì giai đoạn đầu của RMSF dễ bị nhầm với một số bệnh thông thường khác do có triệu chứng giống nhau gồm nhức đầu, sốt và đau mỏi cơ.

Theo Joel Breman, chủ tịch ASTMH, dù thí nghiệm do nhóm chuyên gia của Laura Backus thực hiện khá đơn giản nhưng lại cho thấy sự hiệu quả. Kết quả cho thấy nhiệt độ tăng cao dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ở người do loại ve chó gây ra. Điều này càng củng cố thêm bằng chứng về mối liên hệ ngày càng mật thiết giữa biến đổi khí hậu với sức khỏe con người.

“Biến đổi khí hậu đang diễn ra quá nhanh, nên điều quan trọng là chúng ta phải nắm được những cách nó có thể tác động và làm gia tăng nguy cơ mắc các loại bệnh truyền nhiễm. Chúng ra cần chuẩn bị thật tốt để có thể chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa những căn bệnh này”, Joel Breman khuyến cáo.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây