Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng mắt và đọc biểu cảm khuôn mặt, nhưng các em vẫn có sở thích và bị thu hút bởi thiết bị công nghệ như trẻ bình thường.

“Bức tường vô hình” của trẻ tự kỷ được dựng lên ra sao?

Trẻ tự kỷ sống cô độc trong thế giới của những “bức tường” do chính bé dựng lên, bố mẹ cũng không cách gì chạm vào được. Kỹ năng giao tiếp với xã hội là một thử thách lớn đối với trẻ tự kỷ, đặc biệt là giao tiếp bằng mắt, biểu hiện cảm xúc, trò chuyện…

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực đã cố công tìm cách phá vỡ “bức tường vô hình”, giúp các bé mở ra cánh cửa hoà nhập với thế giới. Tuy nhiên, giữa lúc cả giới y khoa lẫn tâm lý vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu thì các chuyên gia công nghệ đã “lên tiếng”.

Tuy trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng mắt và đọc biểu cảm khuôn mặt, nhưng các em vẫn có sở thích và bị thu hút bởi thiết bị công nghệ như trẻ bình thường. Theo các chuyên gia, đó chính là cánh cửa để họ có thể giúp trẻ tự kỷ hoà nhập với thế giới, cũng như giúp các bậc phụ huynh có thể chạm vào tâm hồn của trẻ.

Nắm bắt được đặc điểm cố hữu của trẻ tự kỷ là không quan tâm đến biểu cảm của người khác nên không thể xây dựng hoàn cảnh giao tiếp, Samsung đã phát hành ứng dụng Look At Me có khả năng “đọc” cảm xúc khuôn mặt và nắm bắt tâm lý người đối diện. Mọi phụ huynh đều có thể cài đặt ứng dụng miễn phí vào điện thoại hoặc máy tính bảng chạy hệ điều hành Android để trẻ tham gia khóa “huấn luyện giao tiếp ảo” ở bất cứ đâu, nhằm cải thiện kỹ năng giao tiếp cho trẻ.

Ứng dụng Look At Me giúp trẻ tự kỷ phá vỡ “bức tường vô hình"


Ứng dụng Look At Me do Samsung Electronics phối hợp cùng các bác sĩ, chuyên gia đến từ Bệnh viện Bundag Đại học Quốc gia Seoul và Khoa Tâm lý học thuộc Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nghiên cứu, phát triển. Thực ra, ứng dụng này hoạt động theo cơ chế khá đơn giản: Sử dụng camera điện thoại thông minh để giúp trẻ đọc tâm trạng của người khác, nhớ khuôn mặt và thể hiện cảm xúc của mình với các nét mặt cũng như tư thế khác nhau.

Nền tảng khoa học để xây dựng ứng dụng ý nghĩa này được GS Chung KyongMee, Khoa Tâm lý, ĐH Yonsei, một trong số những người tham gia sáng chế ứng dụng giải thích: “Trẻ em mắc triệu chứng tự kỷ gặp khó khăn khi đọc biểu hiện của gương mặt, nhưng lại rất có năng khiếu trong việc sử dụng những thiết bị điện tử và luôn tỏ ra thích thú khi được sử dụng chúng. Vì thế, việc cải thiện giao tiếp cho trẻ tự kỷ thông qua thiết bị thông minh là ý tưởng rất thực tế và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả”.

Trước đó, một số hãng công nghệ đã tung ra những sản phẩm có tính năng cải thiện tình trạng tự kỷ, chẳng hạn như ứng dụng và trò chơi giúp các em rèn kỹ năng giao tiếp hoặc dạy chúng đối phó với nhiều tình huống khác nhau ngoài xã hội. Google và tổ chức Autism Speaks với dự án MSSING đã phát triển cơ sở dữ liệu về thông tin di truyền của những người mắc chứng tự kỷ và gia đình họ. Dữ liệu này được lưu trữ trên Google Cloud Platform để các nhà khoa học có thể sử dụng nghiên cứu rộng rãi. Bên cạnh đó, Microsoft cũng thực hiện một dự án tương tự từ năm 2001.

Look At Me sẽ làm gì với “bức tường vô hình” của bé?

Ứng dụng Look At Me giúp trẻ tự kỷ phá vỡ “bức tường vô hình"


Trẻ tương tác với ứng dụng Look At Me sẽ trải qua những bài học kéo dài 15 phút trong 8 tuần, thực chất nó là 7 trò chơi tương tác được thiết kế để giữ sự tập trung cho trẻ tự kỷ. Các bé sẽ được tiếp xúc những bài học hữu ích về âm thanh, tình huống giao tiếp, nhận diện cảm xúc trên gương mặt (hạnh phúc, giận dữ, buồn, vui, ghét…) qua 4.000 mẫu dữ liệu từ nhiều người khác nhau. Từ đó, bé dần hiểu cách bộc lộ những cảm xúc của bản thân.

Các phụ huynh cũng có thể tham gia những bài học này để cùng bé phá vỡ rào cản của “bức tường”, cũng như là người hỗ trợ đắc lực cho bé trong việc bày tỏ cảm xúc với người xung quanh. Đó chính là điều tiên quyết để cải thiện đáng kể tình trạng tự kỷ của trẻ.

Ứng dụng Look At Me giúp trẻ tự kỷ phá vỡ “bức tường vô hình"


Samsung cho biết việc sử dụng Look At Me giúp tăng 60% khả năng giao tiếp cho trẻ mắc bệnh tự kỷ. Look At Me thực sự là bước đột phá mạnh mẽ trong quá trình nỗ lực đưa trẻ tự kỷ bước vào cuộc sống cộng đồng, nơi những “bức tường vô hình” không còn tồn tại.

Sự góp sức của công nghệ không chỉ khiến cho thương hiệu của các “ông lớn” trong lĩnh vực này trở nên gần gũi, thân thiện hơn với người dùng toàn cầu, mà còn góp phần cải thiện tình trạng tự kỷ ở khoảng 60 triệu trẻ em trên toàn thế giới.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây