Những công tố viên liên bang Mỹ đang mở cuộc điều tra về các thỏa thuận dữ liệu giữa Facebook với những hãng công nghệ hàng đầu thế giới.

Facebook bị điều tra hình sự vì chia sẻ trái phép dữ liệu người dùng

Được biết có khoảng 150 doanh nghiệp, gồm cả Amazon, Apple, Microsoft và Sony, đã từng hợp tác với Facebook để được truy cập vào những thông tin cá nhân người dùng như: danh sách bạn bè, thông tin liên lạc và thậm chí cả tin nhắn riêng tư. Nhiều bằng chứng cho thấy gã khổng lồ mạng xã hội đã làm điều này khi chưa được chủ tài khoản cho phép.

Cuộc điều tra diễn ra giữa bối cảnh Facebook đang tìm cách khôi phục lại hình ảnh sau một loạt bê bối. Bồi thẩm đoàn New York đã lập hồ sơ từ hai nhà sản xuất smartphone giấu tên để thảo luận về những vấn đề pháp lý. Cả hai doanh nghiệp đều cho biết đã hợp tác với Facebook để có được quyền truy cập vào dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng. Sau khi thông tin về cuộc điều tra được tiết lộ, giá cổ phiếu của công ty đã giảm 1,5%.

Phát ngôn viên của Facebook cho biết “Chúng tôi đang hợp tác với các điều tra viên một cách nghiêm túc. Đại diện công ty đã cung cấp lời khai, trả lời câu hỏi và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác khi có yêu cầu”.

Facebook đã chịu sự giám sát của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch từ sau khi có báo cáo cho rằng Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu liên quan đến Tổng thống Trump, đã được mạng xã hội này cho phép truy cập vào thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng và sử dụng cho mục đích chính trị.

Đây là một hành vi xâm phạm dữ liệu riêng tư trắng trợn, trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả tranh cử tổng thống năm 2016. CEO Mark Zuckerberg phản bác rằng họ bị Cambridge Analytica lừa, những thông tin được thu thập ban đầu chỉ phục vụ cho nghiên cứu học thuật chứ không ảnh hưởng đến chính trị.

Facebook bị điều tra hình sự vì chia sẻ trái phép dữ liệu người dùng

Scandal Cambridge Analytica năm ngoái đã đẩy Facebook vào cuộc khủng hoảng tồi tệ trong lịch sử. Không lâu sau lại xuất hiện thêm một loạt thông tin cáo buộc hãng đã trao cho nhiều đối tác, gồm có các nhà sản xuất điện thoại thông minh truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng, bỏ qua những cam kết bảo mật riêng tư.

Với những cáo buộc trên, Facebook đã vi phạm trắng trợn thỏa thuận với Ủy ban Thương mại Liên bang được ký vào năm 2011. Cuối năm ngoái, FTC đã xem xét đưa ra một mức phạt khổng lồ lên tới hàng tỷ USD dành cho công ty vì những sai phạm dữ liệu. Đây là mức phạt lớn nhất từng được áp dụng với một công ty công nghệ. Theo Business Insider, con số này có thể sẽ còn tăng lên sau cuộc điều tra.

Facebook đang cố gắng khắc phục tình trạng lạm dụng dữ liệu và thông tin sai lệch nhằm lấy lại lòng tin của người dùng. Tuần trước, Mark Zuckerberg đã thông báo sẽ bắt đầu kế hoạch biến Facebook thành nền tảng riêng tư hơn trong tương lai.

Theo: New York Times

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây