Bài viết xoay quanh Lisa Su, nữ CEO đang cố gắng lèo lái con thuyền AMD và đã gặt hái được những thành công đáng khâm phục.

Zeppelin: thành công đầu tiên của Lisa Su

Từ những cửa sổ rộng của văn phòng trên tầng năm, Lisa Su có thể bao quát toàn bộ khuôn viên của Advanced Micro Devices và quan sát phòng thí nghiệm nơi hãng đang thử nghiệm những con chip mới. Mùa xuân năm 2016, bà khi đó đang hướng cặp mắt của mình về phía phòng thí nghiệm. Liên tục những cuộc gọi, tin nhắn gửi tới nhân viên đang làm việc ở đó. Su đang rất háo hức chờ đợi Zeppelin ra đời.

Zeppelin là tên mã của vi xử lý mới nhất của AMD, một con chip cao cấp được thiết kế cho cả máy tính cá nhân và máy chủ. Tương lai của AMD phụ thuộc hoàn toàn vào Zeppelin.

Su có chuyên ngành tiến sĩ kỹ thuật vi xử lý, nhậm chức CEO vào năm 2014, một thời điểm đáng quên của AMD khi doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng. Zeppelin là nước đi đầu tiên trong nỗ lực nhằm khôi phục lại AMD của Su.

Với con chip được thiết kế lại mới hoàn toàn, Su hy vọng có thể thu hút những người dùng có nhu cầu cao, từ game thủ chuyên nghiệp tới các công ty công nghệ vận hành trí tuệ nhân tạo và các chương trình machine learning. Nếu sản phẩm mới chiếm lĩnh được thị trường, AMD sẽ có cơ hội thoát khỏi tình trạng thua lỗ kéo dài đã nhiều năm và thậm chí thoát khỏi cái bóng của Intel và Nvidia.

Nhưng Su không lường trước được những thử thách mà bà sẽ phải đối mặt khi Zeppelin được thử nghiệm ở Austin.

Lisa Su và chiến lược sống còn của AMD
Su tại văn phòng làm việc

Louis Castro – người phụ trách giai đoạn thử nghiệm – đã tập hợp một nhóm gồm 80 kỹ sư để bắt đầu quá trình test khi nhận con chip Zeppelin đầu tiên với tên mã Ryzen. Nhưng đêm trước khi quá trình thử nghiệm bắt đầu, tháng 4/2016, người đứng đầu đội ngũ thiết kế đã gọi cho Castro. Cuộc gọi thông báo rằng Ryzen chứa một lỗ hổng trong thiết kế khiến máy tính thậm chí không thể khởi động. Nếu vấn đề này không được xử lý nhanh chóng, con chip có thể bị chậm ra mắt hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng.

Vấn đề càng trở nên phức tạp khi lúc đó Su đang đi công tác tại Ấn Độ, cách Austin 8.000 dặm và lệch 10 múi giờ.“Bạn sẽ không bao giờ trải qua vấn đề nào kinh khủng hơn điều này đâu” Castro nhớ lại “Tôi ngồi phịch xuống và nghĩ, lạy Chúa, con phải làm gì bây giờ”

Lee Rusk, kỹ sư phụ giữ nhiệm vụ phát triển Zeppelin, đã gọi tới các nhà máy sản xuất chip cho AMD và yêu cầu họ ngừng việc sản xuất lại ngay lập tức. Giám đốc công nghệ Mark Papermaster đã đứng ra gọi điện thông báo cho CEO về tin xấu này. Nội dung cuộc gọi vô cùng khẩn cấp nhưng không ai trong số hai người tỏ ra hoảng sợ. Phản ứng đầu tiên của Su là ra quyết định: Quá trình thử nghiệm không thể bị trì hoãn.

Toàn bộ đội ngũ nhân viên AMD nhanh chóng chuyển sang chế độ mà Su gọi là “Apollo 13”. Bốn nhóm kỹ sư đã ngồi cùng nhau vắt não để tìm ra giải pháp nhằm xác định lỗ hổng trong con chip mẫu để quá trình thử nghiệm diễn ra ngay lập tức. Ngay khi trở về Austin, Su đã tới thẳng phòng thí nghiệm, động viên các kỹ sư và nhắc nhở họ rằng “thất bại không phải là một sự lựa chọn”.

Lisa Su và chiến lược sống còn của AMD
Su trong phòng thí nghiệm cùng với Louis Castro, Lee Rusk và các kỹ sư khác trong dự án Zeppelin.

Các bộ vi xử lý trong máy tính và điện thoại ngày nay cực kỳ phức tạp. Một con chip Ryzen với kích thước chỉ tương đương một đồng xu lại chứa tới 5 tỷ bóng bán dẫn, đặt trên 100 lớp khác nhau. Lỗ hổng mà nhóm của Castro phát hiện ra đã ảnh hưởng tới không nhiều phần trong con chip. Tuy nhiên, nếu nó nằm sâu bên trong, ở những tầng thấp nhất, việc sửa lỗi sẽ rất mất thời gian.

Nhưng lần này AMD đã gặp may.

Hóa ra vấn đề này có thể được khắc phục ngay tại phần khuôn, chỉ trong vòng một tháng. Và nhóm của Castro đã tìm ra cách khắc phục lỗ hổng trên bản mẫu và tiến hành thử nghiệm mà không phải tốn một tháng chờ đợi.

AMD thoát dần khỏi vị trí cái bóng của Intel 

AMD lúc này đang rất cần một thắng lợi để lấy lại vị thế. Chiến lược cơ bản mà hãng đã dùng hàng chục năm đã thất bại. Việc đưa ra một con chip mới, rồi sau đó nâng cấp sau mỗi năm không còn hiệu quả nữa. Trong giai đoạn 2007 đến 2016, thị phần AMD ở mảng PC đã giảm từ 23% xuống dưới 10%, theo IDC.

Với mảng máy chủ, thị phần còn tụt xuống dưới 1%. Cùng lúc đó, thị phần máy để bàn cũng sụt giảm lớn do sự phát triển của các thiết bị di động mà AMD đã đứng ngoài cuộc chơi. AMD đã thua lỗ rất nhiều trong 5 năm liên tiếp. Doanh số bán hàng giảm xuống đáy, dưới 4 tỷ USD vào 2015, giảm 39% từ mức cao nhất năm 2011.

Tin xấu với AMD cũng là tin chẳng tốt đẹp gì với thung lũng Silicon. Dù chưa bao giờ là số 1 trong cuộc đua bán dẫn. Nhưng AMD vẫn là một nhà sáng chế số 1 trong nhiều lĩnh vực.

AMD là hãng đầu tiên sản xuất chip có xung nhịp vượt mức 1 GHz, là công ty đầu tiên có chip 2 nhân. Trong vai trò đó, AMD đã giúp giữ giá PC được cân bằng, giúp các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào khả năng xử lý của máy tính. “Cạnh tranh luôn thúc đẩy phát triển, điều này đúng trong mọi thị trường mà tôi biết” Meg Whitman, CEO của Hewlett Packard, và bây giờ là một chuyên gia trong lĩnh vực PC và máy chủ cho hay. “Một hệ sinh thái rộng lớn trong thị trường chip nói chung luôn là một điều tốt cho cả ngành công nghiệp”, bà chia sẻ thêm.

Lisa Su và chiến lược sống còn của AMD

Ngày nay AMD phần nào đó đã vực dậy được, điều này có được phần lớn là do công lao của Su. Chiến lược của Su dựa trên việc thiết kế lại các bộ vi xử lý, tăng cường sức mạnh tính toán và khả năng truy cập dữ liệu chứa trên các thành phần khác của máy tính.

Đồng thời, Su cũng giảm sự phụ thuộc của AMD vào máy tính để bàn. AMD bắt đầu cung cấp vi xử lý cho ba hãng phát triển game hàng đầu: Microsoft, Sony và Nintendo. Mảng Server cũng được Su thay đổi chiến lược, bằng việc chuyển quyền sử dụng thiết kế chip cho một công ty Trung quốc.

Để hoàn tất được các công việc này, Su đã vận dụng kinh nghiệm của mình như một kỹ sư, các mối quan hệ bà đã xây dựng trong hơn một thập kỷ tại IBM và dựa trên những nhân tài bà thu hút được từ Apple.

Con chip Ryzen đầu tiên được tung ra thị trường vào tháng Ba và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Sức mạnh của con chip đã vượt qua người tiền nhiệm tới 40%, đúng như AMD đã hứa. Những con chip này mạnh ngang ngửa các đối thủ của Intel nhưng giá thì chỉ bằng một nửa. Ở đầu bảng xếp hạng, con chip Ryzen 7 1800X được bán với giá 499USD, trong khi đó Core i7-6900K của Intel giá 1.089USD. Các nhà đầu tư vô cùng phấn khích khi giá cổ phiếu AMD có bước tăng đột biến. Giá cổ phiếu đã vọt từ mức dưới 2USD/cổ phiếu ở đầu năm 2016 lên mức 12USD.

Lisa Su và chiến lược sống còn của AMD
Kỹ sư AMD đang cầm con chip máy chủ Epyc

Mùa hè năm nay, AMD sẽ tiếp tục tung ra những quân bài mới. Con chip tiếp theo sẽ là một con chip dành cho máy chủ với tên gọi Epyc, phá vỡ thế độc quyền của Intel ở mảng này. Sau đó sẽ là Vega, một con chip đồ họa hay còn gọi là GPU. Những con chip như vậy không chỉ quan trọng đối với các game thủ, mà còn được sử dụng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đây là một lĩnh vực vốn đòi hỏi tính toán rất lớn.

Việc tính toán này chính là nguồn sống, là kiến thức, là “nhiên liệu” để vận hành Siri hay Alexa và được sử dụng để phân tích các luồng dữ liệu lớn. Thực tế, nhu cầu về GPU vẫn đang tăng trưởng mạnh, dù cho thị trường PC khá là ảm đạm. Hiệu năng mạnh mẽ của Vega đã gây ấn tượng được với Apple đến nỗi, họ quyết định sẽ sử dụng Vega trong các mẫu iMac Pro được tung ra vào tháng 6 này.

Sức mạnh của các sản phẩm mới vẫn còn chưa rõ, nhưng AMD vẫn đang rất chật vật vượt qua khó khăn. Stacy Rasgon, một nhà phân tích công nghệ chip lâu lăm tại Bernstein Research, tin rằng Su đã có những nước đi đúng đắn và đã cải thiện được tình hình tài chính của AMD. Tuy nhiên vẫn chưa chắc có thể đưa AMD vượt qua khó khăn. “Với một công ty mà 18 tháng trước còn không biết có thể cứu vãn gì được không, bà ấy đang làm rất tốt”, Ragon nói.” Nhưng nhìn vào lịch sử của AMD mà nói thì cũng khó mà biết được họ sẽ làm được đến đâu.”

Sứ mệnh của Su chính là đánh tan những hoài nghi kiểu như vậy.

Lịch sử mà Ragon nhắc đến được gắn liền với đối thủ truyền kiếp và cũng lớn mạnh hơn AMD rất nhiều, Intel. Cả hai công ty đều được thành lập bởi các kỹ sư và giám đốc từ công ty sản xuất chip bán dẫn Fairchild. Robert Noyce, Gordon Moore và Andy Grove rời công ty và thành lập Intel vào năm 1968.

Nhóm thành lập AMD cũng rời công ty một năm sau đó, dưới sự dẫn dắt của nhân viên bán hàng Jerry Sanders, kẻ tự cho-mình-là-mạnh-mẽ đến từ South Side, Chicago.

Công việc kinh doanh của AMD có những bước tiến mạnh mẽ vào những năm 1980 khi IBM quyết định không nên phụ thuộc quá nhiều vào Intel. AMD trở thành nhà cung cấp chip thứ hai cho IBM. AMD trở thành nguồn cung cấp chip lớn thứ hai cho máy để bàn tương thích với kiến trúc x86 của Intel, tuy nhiên ngay cả tại thời điểm đỉnh cao của AMD, khi cứ mỗi bốn con chip bán ra thì có một con của AMD, khoảng cách với Intel vẫn là quá lớn.

Lisa Su và chiến lược sống còn của AMD
Su tại phòng thí nghiệm của AMD tại Austin

AMD đạt tới đỉnh cao vào những năm 90 và 2000 dưới sự lãnh đạo của Sanders và người kế nhiệm Hector de Jesus Ruiz, đã giới thiệu một con chip rất nhanh và sáng tạo K6, chứng minh rằng AMD không phải chỉ là kẻ sao chép Intel. Cổ phiếu của AMD đạt đỉnh 42USD/cổ phiếu vào năm 2006.

Nhưng năm đó, Ruiz đã đi một bước đi định mệnh mua hãng sản xuất chip đồ họa ATI với giá 5.4 tỷ USD. Công nghệ của ATI chẳng bao giờ mang lại sức mạnh như AMD kỳ vọng. Hơn nữa, thương vụ đã khiến hàng năm sau đó công ty phải chìm trong nợ nần. Từ năm 2008 đến 2011, AMD đã thay CEO bốn lần.

Đó mớ lộn xộn mà Su sẽ phải thu dọn.

Lisa Su: người phụ nữ muốn giữ vị trí điều hành

Sinh ra ở Đài Loan, bà chuyển đến New York cùng với gia đình khi được 2 tuổi. Bố mẹ Su nói bà có thể làm nghệ sĩ Piano, làm bác sĩ hay làm kỹ sư tùy thích. Với một người hay táy máy tháo tung đồ chơi của em trai rồi tự lắp lại như Su, sự lựa chọn thứ ba có vẻ rất hợp lý.

Su theo học ở trường Trung học khoa học Bronx danh tiếng, sau này trở thành MIT – nơi bà bắt đầu nghiên cứu vi xử lý khi học cử nhân, thạc sĩ và sau đó là Tiến sĩ ngành Kỹ sư điện.

Sau một thời gian ngắn làm việc tại Texas Instruments, Su đến IBM, nơi bà đã dành hơn một thập kỷ tập trung vào cuộc chạy đua cho các chip rẻ hơn, nhanh hơn. Bà đã gặp một người cố vấn quan trọng là Nicholas Donofrio, một huyền thoại của IBM, người đã làm việc trên mọi thứ từ máy tính lớn đến chiếc máy tính đầu tiên.

Lisa Su và chiến lược sống còn của AMD
Lisa Su tại lễ nhận bằng tiến sỹ năm 1994

Donofrio đã sắp xếp để Lisa Su làm trợ lý kỹ thuật đặc biệt cho giám đốc điều hành Lou Gerstner, người về sau rời American Express để điều hành Big Blue. Công việc của Su là giúp cho Gerstner theo sát sự phát triển công nghệ quan trọng, và đảm bảo việc bị thiếu đào tạo kỹ thuật không làm cản trở việc ra quyết định của ông.

“Điều tôi học được từ công việc đó là quan sát CEO của một công ty lớn suy nghĩ”, Su nhớ lại. Thế mạnh của Gerstner là biết đơn giản hóa các lựa chọn sẵn có, tập trung vào việc nghiên cứu công nghệ mới hữu ích với người dùng.

Su bắt đầu khao khát được điều hành một công ty, tuy nhiên bà cảm thấy điều này khó có thể thực hiện được ở IBM. Vào năm 2007, Freescale Semiconductor – một nhánh của Motorola chuyên sản xuất chip cho tàu thăm dò mặt trăng Apollo – đề nghị Su nhận chức giám đốc kỹ thuật và bà đã chớp lấy cơ hội. Bà chuyển đến Austin, nơi bà đã điều hành mảng chip trị giá 1 tỷ USD và phát hành cổ phiếu thành công cho công ty vào năm 2011.

Lisa Su và chiến lược sống còn của AMD
Su cùng giám đốc IBM Lou Gerstner (năm 2000)

Trong khi đó, Donofrio đã nghỉ hưu, ông rời IBM và tham gia vào ban điều hành của AMD để thiết lập một chiến lược cải tổ cho công ty. Khi tới Austin để tham dự cuộc họp ban điều hành, Donofrio đã mời Su ăn tối tại Barton Creek Resort. Bà lúc đầu e ngại rằng ông sẽ tức giận vì thông tin Su đã rời IBM.

Nhưng thực tế lại khác hẳn, ông đã mời Su một bữa trịnh trọng. Khi biết lý do Su rời IBM, Donofrio ngay lập tức đã mời Su tham gia AMD. AMD dù đúng là đang ngập trong các vấn đề lớn, nhưng cùng lúc công ty cũng có rất nhiều kỹ sư tài năng và bản quyền sở hữu trí tuệ độc đáo. “Nó rất phù hợp với cô đấy”, Donofrio nói với Su, “Thật sự là rất hợp”. Su sau đó đã gia nhập AMD vào năm 2012. Tới năm 2014, bà trở thành CEO.

Tới lúc này, AMD đã tập hợp được một đội ngũ thiết kế có thể tự sáng chế ra một con chip mới. Donofrio tuyển Mark Papermaster, người hiện giữ chức giám đốc kỹ thuật. Ông là một nhân viên kỳ cựu của IBM, người từng được Steve Job mời tham gia giúp Apple thiết kế con chip cho iPhone.

Papermaster sau đó đã mời một kỹ sư tài năng khác Raja Koduri tham gia công ty vào năm 2013. Koduri được biết đến là một người có tầm nhìn trong việc thiết kế chip đồ họa. Trước khi về AMD, Koduri làm việc tại Apple, được phân công chịu trách nhiệm thiết kế con chip có khả năng xử lý các màn hình có độ phân giải cao (Retina display).

Lisa Su và chiến lược sống còn của AMD
Giám đốc kỹ thuật Mark Papermaster

Rời bỏ Apple lúc đang ở đỉnh cao để đến AMD khi công ty này đang gặp khó khăn, đây trông có vẻ giống như một quyết định điên rồ đối với gia đình và bạn bè của Koduri. Vợ ông còn cho rằng ông đang bị khủng hoảng tuổi trung niên.

Nhưng Koduri tin rằng các nền tảng khác có thể thay thế cho smartphone mới là tâm điểm của ngành phát triển chip. Sau nhiều giờ nhìn chằm chằm vào màn hình của iPhone ông đã ngộ ra vấn đề.

“Người ta muốn mang theo iPhone mọi lúc, không phải chỉ là để trong túi”, Koduri nhớ lại, “Bạn muốn có thể cập nhật thông tin mọi lúc”. Điều này có thể đạt được nhờ công nghệ thực tế ảo, hoặc người hỗ trợ ảo với sự giúp sức của trí thông minh nhân tạo hoặc một công nghệ nào đó mà Koduri chưa thể tưởng tượng ra. Nhưng dù gì nó cũng sẽ làm tăng nhu cầu về một con chip có khả năng tính toán cao, có thể là một dòng sản phẩm chip mới. Và tham vọng thay đổi của AMD trở thành một nơi lý tưởng cho ông thiết kế một con chip mới hoàn toàn. “Nếu bạn làm việc như thể chẳng còn gì để mất, bạn có thể làm được kha khá thứ thú vị đấy”, ông nói.

Tư duy “không còn gì để mất” này bắt đầu tỏ ra có giá trị. Năm ngoái doanh số bán của AMD tăng 7% so với năm trước, lên mức 4.2 tỷ USD. Cuối năm nay, mảng đồ họa có thể tăng trưởng lớn hơn.

Vào năm 2015, Su đã giao toàn bộ mảng đồ họa cho Koduri điều hành với tên gọi Radeon Technology Group. Nhân sự của Radeon đã tăng 60% kẻ từ đó, lên đến con số 3.200 người, biến đây thành một team lớn nhất công ty. Các con chip cho máy để bàn của AMD “đã tỏa sáng trên sân khấu“, Su nói, “Giờ thì mảng đồ họa cũng là những sản phẩm tốt bậc nhất rồi.”

Và thử thách lớn nhất cho chiến lược của Su cũng sẽ xuất hiện vào mùa hè này, khi con chip Vega xuất hiện. Nvidia, dưới sự điều hành của CEO Jensen Huang (một kỹ sư người Mỹ gốc Đài Loan khác), là một thế lực trong mảng đồ họa, đặc biệt về phần mềm, khi nền tảng CUDA đang là công cụ thống trị lĩnh vực phân tích dữ liệu lớn.

Dù thị trường tính toán GPU khá nhỏ, nhưng nó phát triển rất nhanh. Năm ngoái, thị trường này trị giá 500 triệu, nhưng đến cuối năm 2020 sẽ đạt mức 9 tỷ USD, theo dự báo của Rasgon thuộc hãng nghiên cứu Bernstein. AMD đang xây dựng một phần mềm nguồn mở để theo kịp CUDA. Nhưng AMD đang bắt đầu một cách khá chậm chạp và bị bỏ cách khá xa.

Trong khi đó, Intel vẫn không ngừng cạnh tranh trong mảng máy tính để bàn và máy chủ. CEO Brian Krzanich đang tập trung vào các khách hàng sử dụng Data Center. Trong tháng 5, Intel đã trình làng một con chip để bàn hiệu suất cao mang tên Core i9. “Chúng tôi đã có những bước tiến rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây”, Greg Bryant, giáo đốc mảng chip mới của Intel chia sẻ.

Meg Whitman nghĩ rằng AMD hoàn toàn có thể vượt qua được những khó khăn này. Whitman và Su là một trong số ít phụ nữ có thể đảm đương được cương vị CEO của một công ty thuộc top Fortune 500. Chính Su là người đã thuyết phục Whitman về việc nhận chức CEO HP. Whitman cho rằng mảng kinh doanh máy chủ của HP có thể sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ con chip Epyc của AMD. “Tại sao Lisa thành công trong khi những người khác thất bại”, bà nói. “Cô ấy đã tập trung vào việc xây dựng những sản phẩm tuyệt vời. Đơn giản vậy thôi”

Su thường xuyên đi khắp nơi trên thế giới để kể lại câu chuyện tuyệt vời đó. Vào một ngày hè tháng Sáu, bà quay lại Boston. Đã gần 25 năm kể từ ngày Su nhận bằng tiến sỹ, MIT đã mời bà về có một buổi nói chuyện với hơn 500 sinh viên chuẩn bị nhận bằng tiến sỹ. CEO Apple là Tim Cook cũng sẽ có mặt tham gia vào buổi kỷ niệm.

Lisa Su và chiến lược sống còn của AMD
Su tại lễ tốt nghiệp của sinh viên MIT vào tháng 6 năm 2017

Trong một bài phát biểu tự viết, bà khuyến khích các sinh viên hãy mơ những giấc mơ lớn, tự tạo ra vận may cho bản thân và thay đổi thế giới. Cá tính của bà cũng được thể hiện qua câu phát biểu “Hãy hứa với tôi rằng các bạn sẽ làm việc thật chăm chỉ để đảm bảo rằng rất nhiều thạc sĩ MBA của Harvard sẽ phải làm việc cho các Tiễn sĩ MIT trong tương lai”, bà kết luận trong tràng pháo tay giòn giã. Sau bài phát biểu, bà đã cùng các sinh viên chụp một tấm hình kỷ niệm.

Sau bài phát biểu, Su đã đến một nhà hàng Trung Quốc gần đó, quán ăn ưa thích từ hồi sinh viên. Ngồi cạnh chồng và gọi một vài món cay nhất trong thực đơn, Su tóm gọn lại vài điểm bà muốn nói trong bài phát biểu. “Tôi đang chiến đấu những cuộc chiến riêng của mình, và tôi đang có một khoảng thời gian tuyệt vời”, Su nói. “Các bạn ai cũng có thể chọn một trận chiến mà mình muốn tham gia, và bạn có thể chiến thắng”

Dịch từ Fortune

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây