Từ lâu công nghệ eSIM đã được định hướng thay thế nanoSIM, mang đến nhiều trải nghiệm trên điện thoại và các thiết bị kết nối Internet như camera an ninh, xe hơi, laptop… Tuy nhiên, dù ra mắt đã khá lâu nhưng loại SIM này vẫn chưa thể phổ biến như thẻ SIM truyền thống.

Vì sao công nghệ eSIM vẫn chưa phổ biến trên thị trường?

Hằng năm, chỉ có một vài mẫu điện thoại thông minh hỗ trợ eSIM, đa số là dòng cao cấp. Các hãng công nghệ cũng ít tích hợp công nghệ SIM này vào thiết bị. Bên cạnh đó, iSIM, phiên bản kế nhiệm của eSIM, vẫn còn là khái niệm mơ hồ với cả những người am hiểu công nghệ, chưa thể tìm được cách tiếp cận người dùng chính thống.

Quá trình loại bỏ thẻ SIM kiểu cũ và thay thế bằng công nghệ eSIM đã được tiến hành từ lâu, nhưng hiện tại vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt. Bạn có biết thẻ SIM đầu tiên được phát hành từ năm 1991 bởi hãng sản xuất thẻ thông minh Giesecke & Devrient có trụ sở tại Munich (Đức)?

Tuy nhiên, đến hiện tại loại SIM này vẫn được các nhà sản xuất smartphone và người dùng ưu tiên lựa chọn. Vậy nguyên nhân nào khiến eSIM không thể thay thế công nghệ SIM cũ đã gần 30 năm tuổi?

Vấn đề và thách thức của eSIM

Hiện nay có 3 mối quan tâm phổ biến về eSIM: liệu thông tin của người dùng có được bảo mật không, loại SIM này có đắt hơn thẻ SIM truyền thống không và sẽ như thế nào nếu chuyển mạng? Có vẻ như những câu trả lời được đưa ra chưa đủ thuyết phục người dùng chuyển sang dùng loại SIM mới.

Dù eSIM được trang bị chip bảo mật để bảo vệ dữ liệu người dùng, nhưng vẫn còn một số vấn đề khi áp dụng vào thực tế. Mặt khác, các gói cước đi kèm loại SIM mới không đủ hấp dẫn để thu hút người dùng. Khách hàng phải đến cửa hàng để mua gói eSIM, quét mã QR và thực hiện quy trình cài đặt phức tạp, bất tiện hơn nhiều so với sử dụng SIM truyền thống. Ngoài ra, khi đổi điện thoại vì bất kỳ lý do gì, bạn phải liên hệ với nhà mạng để thực hiện việc chuyển đổi eSIM.

Người dùng cũng thắc mắc những dữ liệu lưu trên eSIM có được sao lưu khi chuyển đổi hay không. Toàn bộ quy trình này khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Để eSIM trở nên phổ biến, nhà mạng cần đơn giản hóa các dịch vụ để thu hút người dùng hơn. Tuy nhiên điều này cần quy trình đầu tư đáng kể. Khi thẻ SIM truyền thống vẫn còn đang hoạt động ổn định, chưa có lý do để nhà mạng bỏ nhiều chi phí ra đầu tư công nghệ mới.

Kết quả khảo sát ARM công bố hồi tháng 8 cho thấy có một vài nguyên nhân khiến ngành công nghiệp viễn thông vẫn còn e dè chưa triển khai rộng rãi công nghệ này. Theo đó, chỉ 44% người được khảo sát tin rằng iSIM sẽ hoạt động bình thường như thẻ SIM truyền thống, 40% không muốn bị ràng buộc với nhà mạng, họ thích sử dụng công nghệ cũ để dễ dàng chuyển đổi sang những gói cước giá tốt hơn.

Tuy nhiên nguyên nhân hàng đầu nhiều người dùng ưa chuộng thẻ SIM thông thường là do họ không muốn từ bỏ thói quen (69%) và quy trình chuyển đổi phức tạp (chiếm 40%). Điều này xuất phát từ việc nhà mạng không muốn đầu tư vào công nghệ đắt tiền khi thẻ SIM bình thường đang hoạt động ổn định và giá cả phải chăng hơn.

Đây cũng là yếu tố quan trọng với những sản phẩm tầm trung và giá rẻ. Chỉ mất thêm một ít chi phí để trang bị thêm công nghệ eSIM vào các chiếc điện thoại thông minh cao cấp như Google Pixel hoặc Samsung Galaxy S. Tuy nhiên, với những sản phẩm giá rẻ thì 10 USD hoặc 5 USD cũng đủ làm giảm bớt lợi nhuận sản phẩm. Với các thị trường mới nổi hoặc những nước đang phát triển, các nhà sản xuất thường cắt giảm eSIM để bớt chi phí sản xuất.

Vì sao công nghệ eSIM vẫn chưa phổ biến trên thị trường?

Tương lai của eSIM và iSIM

Về cơ bản, dù eSIM còn nhiều nhược điểm hiện tại chưa thể khắc phục nhưng đây vẫn là công nghệ SIM của tương lai gần. Theo khảo sát của ARM, 80% đại diện các hãng SIM được khảo sát tin rằng eSIM sẽ sớm trở nên phổ biến và thay thế SIM truyền thống. Vấn đề chỉ là thời gian.

Những lô hàng thẻ SIM tiêu chuẩn đang giảm dần. Báo cáo mới đây của công ty khảo sát ABI Research dự đoán thị trường SIM truyền thống sẽ giảm từ 5,2 tỷ USD trong năm nay xuống còn 5 tỷ vào năm 2024. Dù vậy, tất cả đều diễn ra với tốc độ chậm, sẽ không có tác động nào khiến thị trường thay đổi đột ngột. Yếu tố quan trọng làm sức tiêu thụ giảm là do người dùng có xu hướng sử dụng diện thoại lâu hơn, thay vì chuyển sang những mẫu smartphone sử dụng công nghệ SIM mới.

Dù vậy, eSIM vẫn có sự tăng trưởng nhất định. Không chỉ ở các nước phương Tây mà ngày càng có nhiều nhà mạng trên toàn cầu cung cấp gói eSIM. Tuy nhiên hiện tại những thiết bị hỗ trợ công nghệ SIM mới không nhiều, bị giới hạn ở các dòng cao cấp như Galaxy S10, iPhone 11, Pixel 3… Theo dự đoán, những thiết bị IoT, laptop, xe ô tô… tích hợp eSIM sẽ thúc đẩy công nghệ này trở nên phổ biến trong vài năm tới.

eSIM và iSIM sẽ đóng vai trò quan trọng với những thiết bị kết nối Internet. Các gói dữ liệu của công nghệ SIM mới (được gọi là Internet ID) rất cần thiết để quản lý những sản phẩm kết nối mạng như xe hơi, laptop, thiết bị IoT… Các nhà mạng sẽ dần tập trung vào eSIM hơn, một số thay đổi sẽ diễn ra trong năm tới.

Theo Android Authority

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây