Nghiên cứu mới từ Kaspersky cho thấy xu hướng sử dụng ví điện tử và dịch vụ ngân hàng di động trong khu vực đang theo sát việc sử dụng tiền mặt.

Liệu tiền mặt có còn là phương tiện thanh toán chủ đạo ở châu Á – Thái Bình Dương (APAC)? Nghiên cứu gần đây của Kaspersky cho thấy xu hướng này vẫn tiếp tục, nhưng có thể sẽ không kéo dài.

Báo cáo với tiêu đề “Xây dựng lộ trình an toàn hướng tới tương lai của thanh toán số ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương” đã nghiên cứu sự tương tác của người dùng trong khu vực với các phương thức thanh toán trực tuyến hiện có tại đây và xem xét thái độ của họ đối với các phương thức, từ đó làm cơ sở tìm hiểu các yếu tố tạo thuận lợi hoặc cản trở việc áp dụng công nghệ này.

Một trong những phát hiện quan trọng của nghiên cứu là phần lớn (90%) những người châu Á được hỏi đã sử dụng ứng dụng thanh toán di động ít nhất một lần trong 12 tháng qua, khẳng định sự bùng nổ của công nghệ fintech trong khu vực. 15% trong số đó mới bắt đầu sử dụng các nền tảng này sau đại dịch.

Philippines ghi nhận tỷ lệ người lần đầu sử dụng tiền điện tử cao nhất ở mức 37%, tiếp theo là Ấn Độ (23%), Úc (15%), Việt Nam (14%), Indonesia (13%) và Thái Lan (13%). Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 5%, Hàn Quốc 9% và Malaysia 9%.

Kaspersky: Gần 20% người dùng khu vực APAC sử dụng thanh toán số trong thời kỳ đại dịch

Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực thanh toán di động ở khu vực APAC. Từ trước khi đại dịch xảy ra, các nền tảng địa phương hàng đầu của Trung Quốc là Alipay và WeChat Pay được ứng dụng rất rộng rãi và trở thành hình mẫu cho các quốc gia châu Á.

Ông Chris Connell, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực APAC cho biết: “Dữ liệu từ nghiên cứu mới của chúng tôi cho thấy tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán chủ đạo tại APAC, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, với 70% số người tham gia khảo sát vẫn sử dụng tiền mặt cho các giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, các ứng dụng thanh toán di động và ngân hàng di động cũng không bị bỏ lại quá xa, khi 58% và 52% người tham gia khảo sát sử dụng các nền tảng này ít nhất một lần một tuần cho đến nhiều lần trong một ngày cho nhu cầu tài chính của mình. Từ những số liệu thống kê trên, chúng ta có thể suy ra rằng đại dịch thúc đẩy người dân thử nghiệm kinh tế số, và trong 3 đến 5 năm tới khu vực này có thể không còn sử dụng tiền mặt.”

Các công nghệ tài chính đang ngày càng thu hút được sự chú ý của người dùng tại APAC nhờ sự an toàn và tiện lợi. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng họ bắt đầu sử dụng các phương thức thanh toán số trong thời kỳ đại dịch vì nó an toàn và thuận tiện hơn so với giao dịch trực tiếp.

Những người tham gia khảo sát cũng nói rằng các nền tảng này giúp họ thanh toán trong thời gian giãn cách xã hội (45%) và đây là cách duy nhất họ có thể thực hiện các giao dịch tiền tệ trong thời gian này (36%). 29% người dùng cho rằng các cổng thanh toán số hiện an toàn hơn so với thời gian trước đại dịch COVID-19; tỷ lệ người dùng đánh giá cao các ưu đãi và chương trình điểm thưởng từ nhà cung cấp cũng đạt giá trị tương đương.

Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng những người mới ứng dụng công nghệ cũng chịu tác động từ bạn bè và người thân (23%) và từ việc chính quyền địa phương (18%) thúc đẩy sử dụng các phương thức thanh toán số.

Khi được hỏi về những băn khoăn lo lắng trước khi sử dụng các ứng dụng thanh toán và ngân hàng di động, những người sử dụng các ứng dụng này lần đầu tiên thừa nhận rằng họ cảm thấy sợ hãi: bị mất tiền trên mạng (48%) và sợ dữ liệu tài chính của họ bị lưu trữ trên mạng (41%). Khoảng 40% những người tham gia phỏng vấn nói họ không tin tưởng vào tính bảo mật của các nền tảng này.

Hơn 25% người tham gia phỏng vấn cho rằng công nghệ này quá rắc rối, yêu cầu quá nhiều mật khẩu hoặc câu hỏi (26%), trong khi 25% nói rằng thiết bị cá nhân của họ không đủ an toàn.

“Chúng ta cần xác định điểm đau (pain point – những vấn đề gặp phải trong quá trình trải nghiệm) của người dùng và các lỗ hổng bảo mật cần khẩn cấp giải quyết để có thể thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số an toàn. Một phát hiện đáng khích lệ của nghiên cứu là công chúng đã nhận thức được những rủi ro đi kèm với các giao dịch trực tuyến và do đó, các nhà phát triển và nhà cung cấp ứng dụng thanh toán di động đã chú ý tới các lỗ hổng an ninh mạng trong từng bước của quy trình thanh toán và triển khai các tính năng bảo mật, thậm chí là áp dụng cách tiếp cận an toàn từ thiết kế để chiếm được lòng tin của người dùng ứng dụng thanh toán số hiện tại và trong tương lai”, ông Connell cho biết thêm.

Để giúp người dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sử dụng an toàn các công nghệ thanh toán số, các chuyên gia của Kaspersky đề xuất:

  • Cẩn tắc vô áy náy: Cảnh giác với tin giả và thận trọng khi chuyển giao thông tin nhạy cảm. Không đưa thông tin cá nhân hoặc thông tin bí mật lên mạng, đặc biệt khi bạn được yêu cầu cung cấp thông tin tài chính và chi tiết thanh toán.
  • Sử dụng máy tính và kết nối Internet riêng khi thanh toán trực tuyến. Tương tự như cách bạn mua bán trực tiếp, hãy thận trọng khi lên mạng và chỉ mua bán từ những cửa hàng trực tuyến đáng tin cậy – bạn sẽ không thể biết liệu máy tính công cộng có chứa phần mềm gián điệp có thể ghi lại mọi thứ bạn nhập trên bàn phím, hay kết nối Internet công cộng mà bạn đang sử dụng có bị tội phạm mạng chiếm để chờ thời cơ phát động tấn công hay không.
  • Không chia sẻ mật khẩu, số PIN hoặc mật khẩu dùng một lần (OTP) của bạn với gia đình hoặc bạn bè. Mặc dù việc chia sẻ này có vẻ tiện lợi hoặc ý tưởng hay, nhưng có thể bị tội phạm mạng lợi dụng để lừa người dùng tiết lộ thông tin cá nhân nhằm mục tiêu lấy thông tin truy cập ngân hàng. Hãy giữ gìn và bảo vệ thông tin cá nhân của bạn.
  • Để giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của các mối đe dọa và giữ an toàn cho thông tin tài chính, hãy sử dụng giải pháp bảo mật toàn diện bao gồm các sản phẩm và hành động thực tế. Giải pháp bảo mật đáng tin cậy như Kaspersky Internet Security, Kaspersky Fraud Prevention giúp bảo vệ toàn diện chống lại nhiều mối đe dọa, và giải pháp Kaspersky Safe Money giúp kiểm tra tính xác thực của các trang web của ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến mà bạn truy cập cũng như để thiết lập một kết nối an toàn.

Báo cáo “Xây dựng lộ trình an toàn hướng tới tương lai thanh toán số ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương” của Kaspersky nghiên cứu các tương tác của chúng ta với thanh toán trực tuyến. Báo cáo này cũng nghiên cứu thái độ của chúng ta đối với thanh toán trực tuyến, làm cơ sở để tìm hiểu các yếu tố tạo thuận lợi hoặc cản trở việc áp dụng công nghệ này.

Nghiên cứu này do công ty nghiên cứu YouGov thực hiện tại các quốc gia quan trọng trong khu vực, bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam (10 quốc gia). 1.618 người ở các quốc gia nói trên đã tham gia trả lời các câu hỏi khảo sát của nghiên cứu trong tháng 7 năm 2021.

Những người tham gia khảo sát có độ tuổi từ 18-65, tất cả đều là những người đang đi làm và có sử dụng công nghệ thanh toán số.

Trong nghiên cứu này, hành vi khái quát của người tiêu dùng tại một thị trường là hành vi khái quát của nhóm mẫu nói trên.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây