Apple là công ty đang chịu nhiều cuộc điều tra chống độc quyền đang nhắm đến hoạt động liên quan đến App Store, Apple Pay và các lĩnh vực khác. Dưới đây là tổng hợp các hành động chống độc quyền gần đây và hiện đang diễn ra ảnh hưởng đến Apple vào thời điểm hiện tại.

Những cáo buộc về hành vi chống độc quyền và việc điều tra về những vấn đề như vậy có thể là sự phiền toái đối với nhiều công ty công nghệ lớn. Là một ông lớn trong ngành, Apple cũng đã nhận được phần lớn các khiếu nại. Với khả năng bị phạt hàng tỷ USD và những thay đổi lớn trong cách thức hoạt động nếu bị phát hiện là sai trái, Táo khuyết phải xem xét các khiếu nại một cách cực kỳ nghiêm túc. Trong khi đa phần cáo buộc chống độc quyền chính của Apple liên quan đến App Store, hãng này cũng đang phải đối phó với các khiếu nại trong các lĩnh vực khác trong đế chế của mình.

Chống độc quyền là gì?

Nhìn chung, chống độc quyền liên quan đến cách các tập đoàn hoạt động trong một thị trường và các vấn đề liên quan đến cạnh tranh. Luật chống độc quyền được đưa ra để ngăn chặn bất kỳ sự lạm dụng quyền lực nào của từ công ty đủ lớn để hoạt động như một công ty độc quyền, cũng như khuyến khích cạnh tranh nhiều hơn giữa các công ty.

Luật chống độc quyền giúp giữ cho các công ty trung thực bằng cách hoạt động công bằng. Một tập đoàn sẽ dễ dàng loại bỏ những công ty cùng ngành theo nhiều cách khác nhau, luật chống độc quyền tìm cách duy trì cơ hội cho các đối thủ nhỏ hơn tồn tại và khả năng phát triển đến một quy mô có thể cạnh tranh hiệu quả hơn với các công ty lớn.

Các công ty cố gắng sử dụng quy mô và sức mạnh của mình để kiểm soát thị trường, gây bất lợi cho đối thủ thường bị các cơ quan quản lý thăm dò để xác định xem các hoạt động có công bằng và không mang tính hạ giá thành nhằm triệt hạ công ty khác hay không. Các công ty bị phát hiện vi phạm luật chống độc quyền phải đối mặt với hình phạt cao, buộc họ không được tiếp tục hành vi của mình.

Đối với người tiêu dùng, cạnh tranh trên thị trường là tốt vì nó có thể giúp tạo ra các dịch vụ mới và cải thiện các dịch vụ hiện có, cũng như có khả năng làm giảm giá. Một số luật cũng ngăn chặn các âm mưu cố định giá giữa các doanh nghiệp, hoặc giữ giá cao một cách giả tạo để lấy thêm tiền từ người tiêu dùng, hay hạ thấp một cách giả tạo để đẩy một đối thủ khác ra khỏi thị trường.

Tóm lại, luật chống độc quyền giúp cho ông lớn của thị trường chơi tốt với những công ty cùng ngành. Vì Apple là một công ty rất lớn, vận hành nhiều cửa hàng và dịch vụ trên khắp thế giới, hãng này đã trở thành đối tượng của những cáo buộc có nhiều hành vi nhằm đẩy đối thủ ra khỏi sân chơi chung.

Chi phí và giới hạn tại chợ ứng dụng App Store

Lĩnh vực lớn nhất của đế chế Apple đã trở thành mục tiêu của các vụ kiện chống độc quyền là App Store, cổng kết nối chính cho các ứng dụng nhằm mục đích cài đặt trên iPhone, iPad và các phần cứng khác của Apple. Bất kỳ ứng dụng nào muốn sử dụng được trên iPhone đều phải có mặt trong danh sách của App Store và do đó phải tuân thủ các quy tắc của Táo khuyết.

Là một phần của quy tắc tồn tại trong hệ sinh thái, Apple sẽ cắt giảm 30% doanh số bán và mua hàng trong ứng dụng, còn lại được trả về cho nhà phát triển. Dù có một số ngoại lệ, chẳng hạn như ứng dụng hỗ trợ đăng ký duy trì theo tháng hoặc theo năm, nhưng phần lớn các ứng dụng phải chấp nhận với khoản phí này.

Dù Google triển khai cấu trúc thu phí tương tự cho Google Play Store trên Android, nó lại khác biệt ở chỗ người dùng Android có thể cài đặt ứng dụng không thuộc chợ của gã khổng lồ tìm kiếm, chẳng hạn như thông qua một chợ ứng dụng bên thứ 3 hoặc trực tiếp từ trang web ứng dụng. Với iOS, các nhà phát triển không thể thực hiện các hành động tương tự để qua mặt cửa hàng để tránh bị tính phí.

Hơn nữa, các công ty phát triển cũng buộc phải sử dụng hệ thống thanh toán của Apple để mua hàng trên thiết bị di động. Dù ứng dụng có thể được dùng để hỗ trợ đăng ký hoặc mua hàng từ bên ngoài, chẳng hạn như thông qua trình duyệt ngoài hệ thống thanh toán của Apple, các giao dịch với một số ngoại lệ hạn chế phải thông qua dịch vụ thanh toán của Táo khuyết.

Apple Music và Spotify

Một trong những khiếu nại chống độc quyền lâu nhất và hiện vẫn đang được điều tra bởi các cơ quan quản lý là từ Spotify. Dịch vụ truyền phát nhạc trực tuyến này phản đối khoản phí 30%. CEO và là sáng lập Spotify, Daniel Ek, coi đó là một khoản thuế vì nó không được thực hiện một cách công bằng.

Apple và những cuộc điều tra chống độc quyền

Lập luận chính của Spotify là dịch vụ Apple Music tồn tại và có thể được đăng ký. Nhưng vì Apple Music là của Táo khuyết và rõ ràng không phải chịu phí App Store giống như Spotify, nó có thể được cung cấp cho người tiêu dùng với mức phí tương đối thấp hơn so với Spotify. Mặc dù người sử dụng có thể đăng ký mua tài khoản premium trực tiếp thông qua trình duyệt (không thuộc App Store), Spotify lập luận rằng khoản phí buộc công ty phải hoạt động trong một sân chơi không công bằng nếu họ muốn cung cấp đăng ký qua ứng dụng iOS.

Về cơ bản, nếu Spotify tính phí người dùng tương tự như Apple Music, hãng này sẽ kiếm được doanh thu thấp hơn do phải chi 30% cho Apple. Nếu tăng giá để có được doanh thu tương đương với Apple Music, nhưng chuyển khoản phí 30% cho người tiêu dùng sẽ khiến Spotify kém hấp dẫn hơn với đối thủ khi đặt lên bàn cân chi phí.

Trong đơn khiếu nại độc quyền chống lại Apple đệ trình lên Ủy ban Châu Âu vào tháng 3/2019, Ek nói “Apple vừa là chủ sở hữu của nền tảng iOS và App Store – vừa là đối thủ cạnh tranh của các dịch vụ như Spotify. Về lý thuyết, điều này là ổn. Nhưng trong trường hợp của Apple, họ tiếp tục tạo cho mình một lợi thế không công bằng ở mọi nước đi.”

Spotify cũng tin rằng Apple Music có lợi thế hơn do Apple không cung cấp đủ quyền truy cập vào các công nghệ cốt lõi cho các công ty bên thứ ba, chẳng hạn như Siri, HomePod và Apple Watch. Kiểm soát các nền tảng có nghĩa là Apple đang “hạn chế sự đổi mới và hạn chế sự lựa chọn của người dùng bằng cách từ chối cho phép Spotify và các công ty khác truy cập vào công nghệ và thông tin qua App Store.”

Vào tháng 5, Ủy ban châu Âu xác nhận họ sẽ xem xét đơn khiếu nại thông qua một cuộc điều tra chính thức về cách các chính sách của App Store bị cáo buộc cản trở các đối thủ cạnh tranh với Apple Music. Ủy ban này cũng cho biết cuộc điều tra có thể mất nhiều năm để hoàn tất.

FTC và DOJ tăng cường giám sát chống độc quyền

Vào tháng 6/2019, Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission – FTC) và Bộ Tư pháp (Department of Justice – DOJ) đã công bố kế hoạch tăng cường giám sát các công ty công nghệ lớn, bắt đầu từ Amazon và Google, đối với các vấn đề chống độc quyền. Hai cơ quan chính phủ sẽ phân chia giám sát sự cạnh tranh giữa các công ty công nghệ để giảm thiểu bất kỳ cuộc điều tra xung đột nào.

Apple và những cuộc điều tra chống độc quyền

Trong tháng tiếp theo, DOJ thông báo đang xem xét việc chống độc quyền với Apple, Amazon, Google và Facebook. Điều này nhằm đánh giá những “mối quan tâm rộng rãi mà người tiêu dùng, doanh nghiệp và doanh nhân về tìm kiếm, phương tiện truyền thông xã hội và một số dịch vụ bán lẻ trực tuyến”. Vào thời điểm đó, các chi tiết của cuộc điều tra không được cung cấp, chẳng hạn như những yếu tố nào trong tổ chức của Apple đang phải đối mặt với sự giám sát. Tuy nhiên vào tháng 8, có thông tin cho biết DoJ đang tham vấn một nhóm luật sư tiểu bang về cuộc điều tra chống độc quyền trên diện rộng.

Theo Makan Delrahim, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp cho Bộ phận Chống độc quyền của Bộ Tư pháp, ở giai đoạn này, các thương vụ thâu tóm được phê duyệt trước đó đang được xem xét để xác định xem chúng có phải là động thái chính xác hay không.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện nhập cuộc

Đến tháng 9 năm 2019, tiểu ban chống độc quyền của Bộ Tư pháp Hạ viện đã bắt đầu cuộc điều tra, gửi yêu cầu cung cấp tài liệu nội bộ và thư từ tại 4 công ty công nghệ lớn. Bức thư gửi cho Apple đã tiết lộ phạm vi tiếp cận của cuộc thăm dò.

Theo đó, mục đích cuộc điều tra của ủy ban là để xem xét “các vấn đề cạnh tranh trong thị trường kỹ thuật số”, liệu các công ty thống trị có “tham gia vào các hành vi chống cạnh tranh trực tuyến” hay không, cũng như các luật và chính sách chống độc quyền hiện hành “có đủ để giải quyết những vấn đề này hay không.”

Đặc biệt đối với Apple, ủy ban này rất muốn điều tra cái gọi là hành vi “Sherlocking” của các nhà phát triển bên thứ ba của Apple, cũng như các email liên quan đến việc Apple đàn áp các ứng dụng kiểm soát (parental control apps) từ đầu năm 2019.

App Store cũng được đưa vào danh sách điều tra. Ủy ban này yêu cầu thông tin về cách Apple quản lý App Store, chính sách của hãng đối với hệ thống thanh toán của bên thứ ba, chính sách chia sẻ doanh thu khi mua hàng trong ứng dụng và liệu người dùng có thể chọn Ứng dụng không phải của Apple làm mặc định. Thông tin này sẽ được sử dụng cho những cuộc điều tra xa hơn từ ủy ban, bao gồm cả cuộc điều trần công khai vào năm 2020.

Apple Pay đối mặt với Ủy ban Châu Âu

Đến tháng 10/2019, dịch vụ thanh toán Apple Pay phải đối mặt với một cuộc điều tra chống độc quyền khác của các nhà điều tra thuộc Liên minh châu Âu. Vào thời điểm đó, các nhà điều tra đang thu thập thông tin từ các công ty thanh toán về cách thức đối xử của Apple đối với Apple Pay với các hệ thống tài chính có thể là chống cạnh tranh.

Ủy ban này lo ngại về cách Apple quyết định hạn chế chip giao tiếp tầm gần trên iPhone – chỉ hoạt động với Apple Pay cho các tác vụ thanh toán, không thể sử dụng hiệu quả với các công ty thanh toán di động bên thứ ba. Các ngân hàng và dịch vụ đối thủ nói rằng hạn chế này đã khiến các hệ thống thanh toán thay thế kém hấp dẫn hơn đối với người dùng. Apple đã tránh được một cuộc điều tra với TWINT, một công ty thanh toán của Thụy Sĩ vào tháng 12/2018 bằng cách giải quyết khiếu nại từ công ty này.

Trong khi Táo khuyết lập luận việc hạn chế quyền truy cập vào chip NFC sẽ cung cấp bảo mật chặt chẽ hơn cho dữ liệu ngân hàng nhạy cảm, Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu, Margrethe Vestager, chỉ ra rằng các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Google và Samsung đã không bị điều tra. Điều này do các thiết bị Android cho phép các ứng dụng và dịch vụ truy cập vào chip NFC của thiết bị nếu có sẵn.

Khiếu nại của Tile ở EU

Đơn khiếu nại từ Tile đã được gửi đến Ủy ban Châu Âu vào tháng 5/2020, yêu cầu điều tra về hành vi bị cáo buộc là chống cạnh tranh. Nhà cung cấp phần cứng và phần mềm theo dõi vị trí tuyên bố Apple đã cố tình gây khó dễ cho người dùng sử dụng các sản phẩm của Tile trong thời điểm hãng chuẩn bị cho việc phát hành sản phẩm được đồn thổi có tên “AirTags”.

Apple và những cuộc điều tra chống độc quyền

Táo khuyết bị cáo buộc đã vô hiệu hóa các tính năng của các sản phẩm đối thủ trong khoảng thời gian 12 tháng, chẳng hạn như hạn chế quyền truy cập vào phần cứng định vị tích hợp trong iPhone và các sản phẩm khác. Apple kiên quyết phủ nhận các cáo buộc này, khẳng định việc đưa ra các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư nhằm đảm bảo dữ liệu vị trí của người dùng được bảo vệ phù hợp từ 10 năm trước. “Tile không thích những quyết định đó nên thay vì tranh luận vấn đề dựa trên giá trị, họ quyết định tung ra các cuộc tấn công vô ích”, Apple cho biết vào thời điểm đó.

Khoản tiền phạt 1,2 tỷ Euro từ Pháp

Một hành động chống độc quyền ít được biết đến hơn: Cục quản lý cạnh tranh của Pháp đã phạt Apple và hai nhà bán buôn tại quốc gia này về các hành vi định giá mà họ cho là vi phạm luật chống độc quyền. Khoản tiền phạt 1,1 tỷ euro (1,22 tỷ USD) đối với Apple được coi là số tiền kỷ lục, cùng với đó là 139 triệu euro (154 triệu USD) đối với hai nhà bán buôn.

Cơ quan giám sát tuyên bố Apple và các nhà bán buôn đã đồng ý “không cạnh tranh với nhau, và ngăn các nhà phân phối cạnh tranh với nhau, do đó vô hiệu hóa thị trường bán buôn cho các sản phẩm của Apple.”

Thời điểm đó, phát ngôn viên Apple nói với AppleInsider rằng quyết định này “gây thất vọng” vì nó “liên quan đến các thông lệ từ hơn một thập kỷ trước và loại bỏ tiền lệ pháp lý tồn tại 30 năm mà tất cả các công ty ở Pháp dựa vào với một lệnh sẽ gây ra hỗn loạn cho các công ty trên tất cả các ngành.”

Trong báo cáo thường niên được công bố trước khi phán quyết được đưa ra, Apple đã lưu ý các vấn đề pháp lý có thể dẫn đến tiền phạt, bao gồm cả hoạt động với cục quản lý Cạnh tranh của Pháp. “Công ty hoàn toàn không đồng ý với các cáo buộc”, Apple viết.

Liên minh Châu Âu điều tra Apple Pay và App Store

Đến tháng 6/2020, Ủy ban Châu Âu khởi động một cuộc điều tra chính thức với Apple, cụ thể là hai dịch vụ App Store và Apple Pay. Hai cuộc điều tra được cho là sẽ phạt tối đa 10% doanh thu hàng năm của Apple, tương đương số tiền phạt tới hàng tỷ USD.

Apple và những cuộc điều tra chống độc quyền

Bà Margrethe Vestager, Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu vừa được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch điều hành phụ trách các vấn đề kỹ thuật số của EU trong thời điểm này, cho rằng “Có vẻ như Apple đặt ra các điều kiện về cách Apple Pay sẽ được sử dụng trong các ứng dụng và trang web của nhà bán hàng. Hãng cũng bảo lưu chức năng ‘chạm và đi’ của iPhone cho Apple Pay.” Vestager cho biết điều quan trọng là các biện pháp của Apple làm “người tiêu dùng phủ nhận những lợi ích của công nghệ thanh toán mới, bao gồm sự lựa chọn tốt hơn, chất lượng, đổi mới và giá cả cạnh tranh.”

Đối với cuộc điều tra về App Store, Vestager cho rằng Apple đã tạo ra một vai trò “người gác cổng” (gatekeeper) cho mình trong việc quản lý “phân phối ứng dụng và nội dung” cho người tiêu dùng. “Chúng tôi cần đảm bảo rằng các quy tắc của Apple không làm sai lệch sự cạnh tranh tại các thị trường mà hãng đang cạnh tranh với các nhà phát triển ứng dụng khác, chẳng hạn như với dịch vụ phát trực tuyến âm nhạc Apple Music hoặc với Apple Books”, bà nói.

Phát biểu về phần mình, Apple cho biết “đáng thất vọng khi Ủy ban châu Âu đang xử lý những lời phàn nàn vô căn cứ từ một số ít các công ty chỉ đơn giản là muốn dùng miễn phí và không muốn theo các quy tắc giống như những người khác”. Hai cuộc điều tra này cũng sẽ mất nhiều năm để hoàn tất.

Ngay sau thông báo của Liên minh Châu Âu, Giám đốc App Store của Apple tại châu Âu, Daniel Matray, đã bảo vệ công ty bằng cách ví App Store như một “cửa hàng bách hóa chất lượng”, khi Apple đổ rất nhiều đầu tư và đổi mới vào việc duy trì nền tảng này.

Trong cùng tháng khi cuộc điều tra của EU được khởi động, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ được cho là bắt đầu cuộc điều tra của riêng mình. Có thông tin cho rằng DoJ và một liên minh tổng chưởng lý nhà nước đã nói chuyện với một số công ty tin rằng Apple đang chống lại sự cạnh tranh với khiếu nại chính là phí hoa hồng 30%.

Lời khai điều trần chống độc quyền của Tim Cook

Đồng ý điều trần trước Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày 29/7 cùng với các CEO của Amazon, Google và Facebook, Giám đốc điều hành Tim Cook nói Apple không tham gia vào hành vi chống cạnh tranh và hãng không “có ưu thế thị phần tại bất kỳ thị trường nào mà chúng tôi kinh doanh”. Các nhà lập pháp trong ủy ban phần lớn đã dành cơ hội này để chất vấn Amazon và Google, trong khi Cook phải đối mặt với ít câu hỏi hơn.

Trong cuộc điều trần, được hỏi điều gì đã ngăn Apple tăng phí lên 50%, Cook đã trả lời rằng công ty chưa bao giờ làm điều đó kể từ khi mở dịch vụ App Store. Khi được hỏi về các nguyên tắc đánh giá và liệu Apple có đưa ra các quy tắc và ưu đãi các nhà phát triển cụ thể hay không, Cook cho biết Apple “đối xử với mọi nhà phát triển như nhau với m các quy tắc mở và minh bạch.”

Về chủ đề công trả đũa và bắt nạt các nhà phát triển cùng sự thất vọng trên App Store, Cook chỉ đơn giản nói rằng Apple đã không làm điều đó, và nó “đi ngược lại văn hóa công ty”. Một câu hỏi về lý do gỡ các ứng dụng kiểm soát (parental control apps) trên App Store đã được Cook chỉ ra rằng có những lo ngại về quyền riêng tư của dữ liệu trẻ em và các vấn đề với các quy trình quản lý thiết bị di động mà các ứng dụng đó áp dụng. CEO của Apple phủ nhận điều này có liên quan đến việc phát hành tính năng Screen Time.

Apple bị cáo buộc đã ngăn một ứng dụng từ Random House xuất hiện trong App Store để ép buộc nhà xuất bản tham gia nền tảng iBooks. Cook cho biết rất khó để nhìn nhận vấn đề vì ông không có quyền truy cập vào các tài liệu được giới thiệu bởi nhà lập pháp vào thời điểm đó.

Về việc liệu Táo khuyết có kêu gọi các nhà phát triển chuyển đổi mô hình kinh doanh và yêu cầu cắt giảm từ 15% đến 30% chi phí hay không, Cook khẳng định “sẽ không bao giờ làm điều đó. Đại dịch là một thảm kịch và nó đang làm tổn thương người Mỹ và mọi người trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ không bao giờ lợi dụng điều này”. Ông bày tỏ các trường hợp được đề cập là các ứng dụng thay đổi mô hình kinh doanh để sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, về mặt kỹ thuật điều này yêu cầu sử dụng mô hình trả phí của hãng.

Trong phiên điều trần, Apple tiết lộ đang chuẩn bị để điều chỉnh mức phí khi có đủ sự quan tâm. Ví dụ trong nỗ lực để có được ứng dụng Prime Video trên App Store, Apple đã đưa ra mức phí 15% thay vì 30% cho Amazon.

Apple và những cuộc điều tra chống độc quyền
Trong một cuộc phỏng vấn sau phiên điều trần, Cook khẳng định rằng Apple không mua lại các công ty để hạn chế cạnh tranh. Việc này là để biến chúng thành một tính năng của điện thoại. CEO của Táo khuyết không bị chất vấn về bất kỳ thương vụ mua lại nào.

Các nhà phát triển lớn tiếp tục phản đối các chính sách của App Store sau phiên điều trần, tuyên bố các hoạt động này là hạn chế và không công bằng. Với việc hoàn thành phiên điều trần, tiểu ban sẽ bắt đầu quá trình phân tích để xác định xem có cần thực hiện các thay đổi luật chống độc quyền hay không, trước khi đưa ra các khuyến nghị của họ trong những tháng tới.

Epic, Fortnite và 1984

Vào ngày 24/7, Tim Sweeney, Giám đốc điều hành của Epic Games tiếp tục khiếu nại các cửa hàng ứng dụng dành cho smartphone do Apple và Google điều hành, cáo buộc họ “độc quyền tuyệt đối” đối với 30% phí giao dịch. Sweeney đề xuất “Nếu mọi nhà phát triển có thể chấp nhận các khoản thanh toán của riêng họ và tránh được mức thuế 30% của Apple và Google, chúng tôi có thể tiết kiệm được cho tất cả người dùng và người chơi sẽ nhận được thỏa thuận tốt hơn đối với các mặt hàng. Và bạn sẽ có sự cạnh tranh kinh tế.”

YouTube video

Nhận xét của Sweeney trước một loạt các hoạt động nhanh chóng đưa trò chơi “Fortnite” đi đầu trong các cuộc chiến chống độc quyền. Vào ngày 13/8, Epic đã cập nhật phiên bản iOS và Android của game này để bao gồm tùy chọn thanh toán “trực tiếp”, một tùy chọn cung cấp các giao dịch mua trong ứng dụng với mức chiết khấu tốt hơn so với thanh toán thông qua cơ chế App Store thông thường. Apple đã nhanh chóng gỡ ứng dụng khỏi App Store trong vòng vài giờ sau khi thay đổi.

Cuối ngày hôm đó, Epic đã khởi kiện Apple và gọi hành vi này là “phản cạnh tranh” với mức chiết khấu 30%. Độ dài của tài liệu kiện, tốc độ nộp đơn và việc phát hành một đoạn phim nhại lại quảng cáo “1984” mang tính biểu tượng của Apple, cho thấy Epic đã lên kế hoạch từ trước.

Google sau đó cũng đã gỡ bỏ ứng dụng và cũng bị kiện tương tự. Sweeney khẳng định các vụ kiện chống độc quyền tư nhân là về tự do hơn là tiền bạc. “Ở cấp độ cơ bản nhất, chúng tôi đấu tranh cho quyền tự do của những người đã mua điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng từ các nguồn họ chọn, quyền tự do cho người tạo ứng dụng phân phối chúng theo cách họ chọn và quyền tự do kinh doanh của cả hai nhóm trực tiếp” Vị giám đốc điều hành này cho biết.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây