ZTE – công ty viễn thông Trung Quốc đã nhiều lần bị phát hiện vi phạm quy định xuất khẩu của Mỹ để bán thiết bị công nghệ cho Iran – quốc gia đang bị Mỹ cấm vận.

ZTE có thể là cái tên nhiều người dùng thông thường chưa bao giờ nghe nói đến, tuy nhiên với các khách hàng doanh nghiệp và đặc biệt là nhà mạng viễn thông thì ngược lại. Cùng với Huawei, ZTE là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn bậc nhất tại Trung Quốc và thế giới.

Được thành lập tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) năm 1985 bởi nhà sáng lập Hou Weigui, ZTE trưởng thành từ một nhóm doanh nghiệp nhà nước, có mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Hàng không vũ trụ Trung Quốc và chuyên về mảng viễn thông. Hãng này chuyên bán các thiết bị như chuyển mạch (switch), phần mềm, trạm phát (base station), thiết bị mạng băng rộng…

Nghe qua tưởng chừng đây là một công ty “bình thường”, thậm chí làm ăn khấm khá nhờ những chiến lược đúng đắn. Thế nhưng trên thực tế, từ lâu ZTE đã bị nghi ngờ là “tay trong” của chính phủ Trung Quốc; một trong số các công ty Trung Quốc được chính phủ dùng để đánh cắp sở hữu trí tuệ và “tranh thủ” làm gián điệp tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.

Hành trình đi đêm của ZTE và cái kết bị Mỹ loại khỏi thị trường

Sự nhạy cảm của chủ đề gián điệp khiến chính phủ Mỹ, Ấn Độ… chưa tìm được bằng chứng rõ ràng để chứng minh ZTE là con bài của chính phủ Trung Quốc; nhưng trong nhiều năm qua, để đề phòng, cả người Mỹ và Ấn đều nhiều lần tiến hành cấm vận công ty này.

ZTE cũng bị nghi ngờ bất chấp các quy định để bán thiết bị viễn thông cho Iran, quốc gia đang bị Mỹ cấm vận vì tài trợ cho khủng bố. Hậu quả là gần đây nhất (vào đầu tháng 3/2016), nguồn tin của Reuters tiết lộ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã có kế hoạch thực hiện lệnh cấm vận thương mại đối với công ty Trung Quốc nói trên vì vi phạm các quy định về xuất khẩu mà Mỹ đặt ra. Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài cũng bị cấm bán những sản phẩm có chứa linh kiện được sản xuất tại Mỹ cho ZTE.

2 lần bị tố cáo “đi đêm” với Iran

Hành trình đi đêm của ZTE và cái kết bị Mỹ loại khỏi thị trường
Một biểu đồ về kế hoạch thành lập công ty vỏ bọc của ZTE

Lật lại lịch sử cách đây 4 năm, ZTE từng bị hãng tin Reuters tố cáo bất chấp quy định đi đêm với hãng viễn thông Telecommunication để bán các hệ thống giám sát cho công ty viễn thông lớn nhất Iran này. Iran là quốc gia bị Mỹ cấm vận nghiêm ngặt vì tài trợ cho khủng bố và theo quy định, các công ty kinh doanh tại Mỹ không được phép xuất khẩu linh kiện, thiết bị do các công ty Mỹ sản xuất đến quốc gia này.

Tuy nhiên, ZTE đã lén lút ký kết hợp đồng cung cấp linh kiện cho Telecommunication Co. với giá trị hợp đồng lên tới 10,5 triệu USD. Hàng loạt công ty Mỹ cũng bị ZTE “đưa vào tròng” mà không hề hay biết: Bằng cách che giấu hợp đồng với hãng viễn thông Iran, ZTE đã nhập khẩu máy chủ của IBM; switch của Cisco, Brocade Communications Systems Inc; phần mềm cơ sở dữ liệu của Oracle; phần mềm backup và diệt virus của Symantec… để xuất khẩu đến Iran và kiếm lời.

Những tưởng ZTE sẽ lấy sự vụ hồi năm 2012 làm bài học, thế nhưng 4 năm sau đó, công ty này một lần nữa “tráo trở”. Hồi tháng 3 năm 2016, các tài liệu bị lộ ra một lần nữa tố cáo ZTE bất chấp quy định do Mỹ đặt ra để “đi đêm” với Iran. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, ZTE đã lên kế hoạch sử dụng một loạt các công ty vỏ bọc để lén lút tái xuất khẩu các linh kiện bị cấm vận tới Iran, vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và đi ngược lại lợi ích an ninh, chính sách đối ngoại của quốc gia này.

Cách thiết lập các công ty vỏ bọc này đã được bộ phận pháp lý của ZTE vạch ra nhằm qua mặt việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Trong một tài liệu bị lộ ra, phòng pháp lý của ZTE nói rằng, việc cấm vận xuất khẩu của Mỹ là vô cùng nghiêm ngặt đối với các công ty trong nhóm “Z” – một danh mục các quốc gia tài trợ cho khủng bố. “Hiện tại, công ty chúng ta đang có nhiều hoạt động kinh doanh với các quốc gia trong nhóm Z này”, một nội dung trong tài liệu rò rỉ viết.

Cũng theo tài liệu đó, bộ phận pháp lý của ZTE khuyến nghị công ty lách luật bằng cách thiết lập các công ty vỏ bọc, đồng thời thuyết phục các khách hàng chấp nhận những sản phẩm không phải của Mỹ sản xuất. Các luật sư của ZTE đã vạch ra kế hoạch chi tiết để thiết lập “mô hình kinh doanh độc lập”. “Khi tiến hành kinh doanh ở các quốc gia trong nhóm Z, chúng ta sẽ tránh sử dụng tên của công ty để ký kết trực tiếp hợp đồng. Công ty chúng ta cũng cần tránh xuất khẩu các sản phẩm trực tiếp và cung cấp các dịch vụ đến những khách hàng này”.

Nhiều lần trong tài liệu, ZTE cố gắng không nêu rõ tên của các khách hàng mà dùng tên viết tắt bằng tiếng Anh như “YL” và “GB”. Tuy nhiên, “ăn vụng không biết chùi mép”, công ty Trung Quốc đã để lộ thông tin muốn giấu bên cạnh tên viết tắt này. Cạnh cái tên “YL” trong biểu đồ kế hoạch là tên “Iran” – quốc gia mà Mỹ đang áp dụng lệnh cấm.

Một tài liệu thứ hai bị rò rỉ là bức thư gửi lãnh đạo ZTE từ bộ phận pháp lý. Trong thư, bộ phận này nói về việc công ty “có hoạt động kinh doanh với 5 quốc gia bị cấm vận gồm Iran, Sudan, Triều Tiên, Syria, và Cuba”, đồng thời vạch ra kế hoạch đối phó với các rủi ro có thể xảy ra khi vi phạm lệnh xuất khẩu của Mỹ. Phòng pháp lý cũng giao nhiệm vụ cho các lãnh đạo và phòng ban khác để thực hiện kế hoạch đối phó này.

Hậu quả của trò lật lọng

Hành trình đi đêm của ZTE và cái kết bị Mỹ loại khỏi thị trường

Với lệnh cấm của Bộ Thương mại, các công ty công nghệ Mỹ vốn là nguồn cung ứng linh kiện cho ZTE khi muốn bán sản phẩm cho công ty này sẽ phải có giấy phép xuất khẩu. Lệnh cấm không đồng nghĩa với việc ZTE không còn được phép bán sản phẩm tại Mỹ, song nó sẽ khiến công ty bị ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu.

Công ty Trung Quốc phụ thuộc khá lớn vào các nguồn cung linh kiện và phần mềm từ Mỹ. Một số smartphone của ZTE, đặc biệt là các model cao cấp, dùng chip của công ty Mỹ là Qualcomm và Intel. Hay một ví dụ khác: công ty sản xuất chip ở Đài Loan trước đây vốn dùng các linh kiện do công ty Mỹ sản xuất để làm vi xử lý cho các thiết bị của ZTE sẽ phải dừng hoặc cắt giảm lượng đặt hàng bởi lệnh cấm của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Không may cho ZTE, vụ lén lút của công ty bị phát hiện trong bối cảnh Mỹ đang có ý định dỡ bỏ cấm vận Iran hồi đầu năm 2016 và nhiều công ty lớn của Mỹ, như HP và General Electric đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại quốc gia này. Với những hoạt động mờ ám, ZTE cũng đánh mất cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ, nơi mà công ty đang có doanh số bán smartphone khá tốt. Trong quý IV/2015, ZTE là hãng smartphone lớn thứ tư tại Mỹ với thị phần 7% – chỉ sau Apple, Samsung, và LG – theo những thống kê của IDC.

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây