Tại sao một người phụ nữ thời Trung Cổ lại được chỉ định loại phẫu thuật xâm lấn nguy hiểm này vẫn còn là một bí ẩn

Theo tạp chí International Journal of Osteoarchaeology, các nhà khoa học đã phân tích hộp sọ của một phụ nữ sống tại miền trung nước Ý vào thời Trung Cổ. Trên đó xuất hiện các dấu vết cho thấy người này đã trải qua ít nhất hai cuộc phẫu thuật não với kỹ thuật khoan sọ.

Đó là một trong số ít các bằng chứng về phẫu thuật khoan sọ thực hiện trên phụ nữ thời kỳ đầu Trung Cổ được tìm thấy, tuy nhiên tại sao người phụ nữ này được chỉ định một thủ thuật xâm lấn nguy hiểm như vậy vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Trước đó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều bằng chứng về hình thức sơ khai của phẫu thuật đến từ vài ngàn năm trước. Một ví dụ điển hình là hộp sọ của một phụ nữ lớn tuổi (tầm 65 tuổi) thuộc khu vực hầm mộ tại Tây Ban Nha với niên đại 5300 năm.

Bảy vết cắt gần ống tai trái được cho là bằng chứng của phẫu thuật điều trị viêm tai giữa. Nhóm khảo cổ cũng tìm thấy các dụng cụ được cho là dụng cụ cắt đốt.

Cho tới thế kỷ 17, các phẫu thuật này được cho là tương đối phổ biến trong chữa trị nhiễm trùng tai cấp tính. Các hộp sọ cũng cho thấy việc cắt bỏ xương chũm cũng được tìm thấy tại Croatia (thế kỷ 11), Ý (thế kỷ 18 và 19) và Copenhagen (thế kỷ 19 và đầu 20).

Khoan hộp sọ – gọi tắt là khoan sọ – được coi là một hình thức sớm nhất của phẫu thuật hộp sọ vẫn còn được áp dụng hiện nay dù rất hiếm khi sử dụng. Đúng như tên gọi, phẫu thuật này được thực hiện bằng cách khoan hoặc nạo vào sọ để lộ ra lớp màng cứng (lớp ngoài cùng trong ba lớp màng não, có vai trò bảo vệ não hoặc tủy sống). Vô tình khoan thủng lớp màng này có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc tổn thương mạch máu não.

Các nhà khảo cổ tìm thấy bằng chứng về phẫu thuật khoan sọ vào thời Trung Cổ

Những chiếc sọ này cùng với nhiều cổ vật khác được khai quật vào cuối thế kỷ 19 từ nghĩa trang Longobard miền trung nước Ý, với niên đại từ thế kỷ thứ 6 đến thứ 8 sau công nguyên. Tuy vậy chỉ có 19 hộp sọ đạt tiêu chuẩn cho việc nghiên cứu.

Trở lại trường hợp của hộp sọ người phụ nữ. Mẫu vật được tìm thấy trong một ngôi mộ đôi với hài cốt của một người đàn ông, kèm theo đó là trâm đồng, lược và dây cột tóc vàng.

Điều này cho thấy hai người thuộc về tầng lớp quý tộc. Những kiểm tra đầu tiên cho thấy nhiều dị tật trên sọ, đặc biệt là một vết hình chữ thập tại xương xốp với một vết lõm hình bầu dục tại trung tâm sọ và một vết nạo xương hình bầu dục khác.

Sau khi được chụp CT và làm khuôn để nghiên cứu thêm. Hộp sọ được tẩy sạch bằng băng gạc và để khô trước khi sơn lên một lớp silicone xanh vào vùng xương có dị tật.

Sau đó một lớp silicone cam được sơn đè lên. Chiếc khuôn được làm từ nhựa epoxy và để khô trong vòng 48 giờ. Bề mặt khuôn sau đó được làm cứng với bột vàng sau đó sẽ được đem đi giám định bằng kính hiển vi electron.

Các nhà khảo cổ tìm thấy bằng chứng về phẫu thuật khoan sọ vào thời Trung Cổ

Theo Tiến sĩ Ileana Micarelli, giảng viên đại học Cambridge, người phụ nữ này đã trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật, đôi khi là chịu đựng những mũi khoan liên tiếp vào đầu. Dấu vết hình bẩu dục tại trung tâm hình chữ thập là bằng chứng cho việc hồi phục sau khoan sọ.

Ngoài ra cũng có dấu vết cho thấy vật dụng bằng kim loại được dùng để nạo da ra khỏi xương, điều này giải thích cho các dấu hiệu viêm và nhiễm trùng. Lần phẫu thuật thứ hai có vẻ như chỉ xảy ra ít lâu trước khi người phụ nữ qua đời.

Có vẻ người phụ nữ này đã mắc phải một tình trạng bệnh lý toàn thân nên mới được chỉ định không chỉ một mà đến hai thủ thuật xâm lấn. Răng của bà cho thấy dấu hiệu của bệnh nha chu, có những áp xe cấp tính và mòn răng liên quan đến mất răng.

Kết quả CT cũng cho thấy dấu hiệu của bệnh phì đại trong xương trán. Một tình trạng thường thấy ở phụ nữ mãn kinh, phù hợp với độ tuổi xác định của hộp sọ.

Các nhà khảo cổ tìm thấy bằng chứng về phẫu thuật khoan sọ vào thời Trung Cổ

Còn một trường hợp khác được đề cập đến là thực hiện phẫu thuật theo nghi lễ. Người Avar tại lưu vực Carpathian trong cùng thời gian cũng được ghi nhận có thực hiện nghi lễ này.

Người Longobard tại Castel Trosino cũng được cho là có nền văn hóa gần như dính liền với văn hóa Byzantine của người Avar, nhưng chưa có bằng chứng ghi nhận họ có thực hiện các nghi lễ này.

Một sự trừng phạt do vi phạm pháp luật cũng được đề cập đến. Một điều trong luật Longobard yêu cầu cắt tóc và cạo da đầu, tuy nhiên chỉ được dùng cho những chiến binh đào ngũ hoặc các thương nhân không có giấy phép. Đồng thời các vết sẹo tạo ra do trừng phạt rất khác những vết để lại trên hộp sọ người phụ nữ.

Theo tiến sĩ Giorgio Manzi, đại học Sapienza, việc đưa ra kết luận chính xác cho trường hợp này là chưa thể vì không giám định hoàn toàn bộ xương của người phụ nữ này được. Không có các dấu vết chỉ ra tổn thương, bệnh bẩm sinh hoặc các bệnh lý khác. Các giả thuyết về nghi lễ hoặc trừng phạt đều được cân nhắc kỹ lưỡng tuy nhiên lại thiếu mất bằng chứng lịch sử và y khoa để có thể đưa đến kết luận sau cùng.

Theo Ars Technica

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây