LiveJournal và Tumblr đều là các mạng xã hội thất bại sau khi người sở hữu mới không hiểu chính cộng đồng mà mình đang quản lý. Twitter đang dần đi vào vết xe đổ đó.

Twitter đang dần tiến vào thời kỳ suy tàn. Mọi tính năng vẫn hoạt động, người dùng vẫn truy cập hằng ngày, nhưng có gì đó đầy bức bối và ngột ngạt tồn tại ngay chính bên trong ứng dụng này.

Điều này gợi nhớ đến thời kỳ suy tàn của hai mạng xã hội lớn là LiveJournal và Tumblr. Cả hai từng có một thời hoàng kim rực rỡ, để rồi từ từ biến mất khỏi Internet.

Nhìn vào LiveJournal và Tumblr của ngày hôm nay, vẫn còn đó những bài blog khó hiểu, những GIF tràn ngập và cả những bài viết đầy tâm huyết. Nhưng một thứ gì đó đã biến mất. Dù cho những nội dung tràn ngập thì cộng đồng người dùng dường như không còn tồn tại.

LiveJournal bắt đầu cuộc đời của mình vào năm 1999 với vai trò là một nhật ký online. Người dùng chủ yếu trong thời gian này là các fandom (cộng đồng người hâm mộ). Từ các tác phẩm nổi tiếng như Harry Potter hay The Lord of the Rings cho tới những hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm.

Thậm chí đến một số fan còn thu hút được số lượng fan và cộng đồng của riêng mình. Một số tác giả như Cassandra Clare, tác giả bộ tiểu thuyết The Mortal Instrument, thường đăng một vài phần của bộ truyện lên và tương tác với các fan.

Cách một mạng xã hội sụp đổ

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào năm 2007. Khi chủ cũ Six Apart bắt đầu tìm người mua lại LiveJournal. Cùng tháng 5 năm đó, chỉ vài tháng trước khi LiveJournal được bán cho công ty SUP đến từ Nga, hàng loạt bài viết đã bị xóa mà không rõ lý do, trong đó nổi tiếng nhất là cộng đồng truyện fanfic Harry Potter.

Lý giải cho sự việc trên, LiveJournal cho biết họ đang cố gắng bảo vệ “đối tượng nhỏ tuổi”. Nhưng dường như cộng đồng fan không hề đồng ý khi bất cứ một bài đăng mang nội dung gai góc đều bị kiểm duyệt. Một người dùng cho biết các bài đăng của cô giúp chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, thế nhưng LiveJournal lại xếp cô vào chung với những kẻ ấu dâm và hiếp dâm.

Kể từ đó, trang web ngày càng trở nên tệ hơn, mất ổn định, đầy những quảng cáo. Hậu quả tất yếu xảy ra khi mọi người bắt đầu rời khỏi LiveJournal. Sau khi tiếp quản, công ty chủ quản SUP cũng không tỏ ra mặn mà với thị trường fandom của LiveJournal và hoàn toàn không đầu tư cũng như lắng nghe tiếng nói của người dùng. Các fandom và cả những người nổi tiếng như Clare đã bắt đầu chuyển qua mọi nơi mới, Tumblr. Trớ trêu thay, vòng lặp lại bắt đầu.

Một điều đáng ngạc nhiên là vòng đời của Tumblr lại tương đồng với LiveJournal rất nhiều. Tumblr cũng từng là một nơi cho các fandom thỏa sức sáng tạo và giao tiếp với nhau. Sau khi được bán lại cho Yahoo vào năm 2013, các nội dung người lớn đã bị cấm mạnh. Sau đó Yahoo được Verizon mua lại vào 2018, các nội dung người lớn và ảnh khỏa thân đã hoàn toàn bị cấm và xóa khỏi nền tảng này.

Cách một mạng xã hội sụp đổ

Tuy lệnh cấm nhằm bảo vệ người dùng, nhưng những người bị ảnh hưởng lại rất lớn. Các tác phẩm nghệ thuật, các bức ảnh có lộ nhiều da cũng đều bị liệt vào danh mục nội dung không rõ ràng, và người đăng đứng trước nguy cơ bị xóa tài khoản. Thuật toán của Tumblr cũng khá tệ khi không ít lần những bức ảnh hoạt hình bị nhận diện thành ảnh khỏa thân. Với những người làm nghệ thuật, đây là một trở ngại rất lớn.

Không khó để nhìn thấy thực trạng hiện tại của Twitter có nhiều điểm giống với những người đi trước. Ngay sau khi vào tay Elon Musk, đã có nhiều quyết định kỳ lạ được đưa ra, một số kỳ lạ đến mức chúng được rút lại chỉ sau vài giờ. Có thể kể đến như cấm dẫn link sang một mạng xã hội khác vì Musk cho rằng như vậy là “quảng cáo miễn phí” cho đối thủ.

Dưới quản lý của Musk, Twitter có vẻ ít ổn định hơn, với nhiều báo cáo từ người dùng cho thấy phát sinh nhiều lỗi hơn. Sự phát sinh vô tội vạ quảng cáo cũng làm người ta nhớ đến Tumblr và LiveJournal trước khi chúng mất đi sức hấp dẫn của mình.

Điều duy nhất làm Twitter khác biệt so với Tumblr và LiveJournal chính là sức lan tỏa của người sở hữu chúng. Trong khi David Karp, người sáng lập Tumblr, và Brad Fitzpatrick, người sáng lập LiveJournal, ít khi tương tác với đứa con của mình, thì Elon Musk muốn mọi người biết ông mới là chủ của Twitter.

Cách một mạng xã hội sụp đổ

Sự hiện diện liên tục của vị CEO trên mạng xã hội này làm ông ít giống một CEO mà trông như một gã độc tài hơn. Ông liên tục có những bài viết gây tranh cãi, đấu khẩu với người dùng cũng như đưa ra nhiều chính sách độc đoán.

Suy cho cùng, thứ vẫn giữ cho Twitter có đông người dùng như hiện nay đó là họ không còn một mạng xã hội nào khác để có thể di cư nữa. Trong khi một vài cái tên tiềm năng như Mastodon đã có một số lượng người dùng tăng vọt, mọi thứ không thể giống như Twitter được.

Trong tất cả mọi trường hợp, LiveJournal, Tumblr và thậm chí là Twitter, gười dùng mới chính là người quyết định liệu chúng có tồn tại được hay không. Twitter dường như đã bắt đầu bước vào giai đoạn cuối của cuộc đời mình khi mà người dùng đang bắt đầu tìm các mạng xã hội thay thế. Và hơn ai hết, Elon Musk biết rõ một mạng xã hội không cần phải biến mất mới gọi là đã chết.

Theo The Verge

Mời bạn thả tim cho bài này

Số lượt thả tim: []. Số tim trung bình: [/5]

Chưa có lượt thả tim

Góc quảng cáo